Ẩn họa từ xé rào trồng cam sành
“Ép” cây ra trái siêu tốc
Kết quả kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có 700ha đất lúa được người dân địa phương chuyển sang trồng cam sành, nâng tổng diện tích cam sành toàn tỉnh lên 8.000ha trong tổng số 41.000ha cây ăn trái.
Điều đáng quan tâm là thay vì diện tích cam sành trước đây chỉ phát triển mạnh trên đất vườn sầu riêng, vườn bưởi thì nay bà con chỉ tập trung chuyển đổi trên đất lúa.
Theo đó, những nơi chuyển đổi nhiều nhất là huyện Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm.
Chẳng hạn như xã Hiếu Nghĩa (huyện Vũng Liêm), hiện đã có hơn 300ha cam sành và phần lớn trồng trên đất lúa.
Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Long thừa nhận, sự phát triển nhanh của cam sành trên địa bàn tỉnh đã tới mức không thể kiểm soát và đang đặt ra cho ngành nông nghiệp rất nhiều áp lực.
Bây giờ không có động thái ngăn chặn thì từ 1 đến 2 năm nữa, dịch bệnh sẽ bùng phát, gây tổn thất rất lớn.
Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long cho biết, theo kết quả điều tra mới nhất, có đến trên 50% hộ dân mua cam giống từ vườn cam của hộ dân khác; trên 36% mua giống trôi nổi.
Không những chất lượng cây giống không đảm bảo, khi trồng, người dân còn để mật độ quá dày (trung bình 5.000 cây/ha); sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, phân bón để ép cây cho trái sớm.
“Theo đặc tính cây cam sành, sau 5 năm trồng mới cho trái ổn định.
Nhưng thực tế cây cam bây giờ chỉ hơn 1 năm là nông dân đã ép cho trái, từ 2 - 3 năm là đã phải đốn bỏ vì cây kiệt sức, chỉ cho trái nhỏ và bị bệnh liên tục” – ông Huỳnh Kim Định - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, không riêng tỉnh Vĩnh Long, các địa phương khác như Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng…, nhiều diện tích cam cũng được trồng theo hình thức tương tự, bất chấp khuyến cáo trồng theo quy hoạch của ngành chức năng và nhà khoa học.
Chạy theo lợi nhuận
Ông Trần Văn Đại ngụ xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm cho biết, gia đình ông trồng lúa nhiều năm nhưng không khá lên nổi.
Thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành thu lợi nhuận gấp 10 lần trồng lúa nên ông đã chuyển 4 công (4.000m2) đất lúa sang trồng cam sành.
“Vào vụ nghịch, giá cam loại 1 từ 30.000 - 33.000 đồng/kg, thấp nhất cũng từ 25.000 đồng/kg nên sẽ có lãi lớn.
Còn vụ thuận, dù giá cam ở mức 7.000 -10.000 đồng/kg nông dân vẫn có lời” – ông Đại nói về nguyên nhân bỏ lúa sang trồng cam.
Nhiều bà con cho biết, thông thường nếu không có dịch bệnh, 1ha cam sành có thể thu được từ trên 200 triệu đồng trong 1 hoặc 2 năm đầu thu hoạch.
Vì vậy, ngoài diện tích trồng đang có, nhiều người còn đi thuê đất lúa ở nhiều nơi để trồng cam.
Theo Sở NNPTNT các địa phương ĐBSCL, việc nông dân thu lợi “khủng” từ việc trồng cam sành là đáng mừng nhưng việc trồng ồ ạt, tự phát như trên đã phá vỡ quy hoạch, khó kiểm soát, tạo điều kiện cho bệnh vàng lá gân xanh (chưa có thuốc đặc trị) tồn tại, lây lan, đặc biệt là khi thị trường tiêu thụ chưa ổn định, vẫn chủ yếu qua thương lái.
Nói về vấn đề này, PGS-TS Trần Văn Hâu (Trường ĐH Cần Thơ), chuyên gia về giống cây trồng nhận định: “Việc trồng cam trên đất lúa là có thể chấp nhận được, đặc biệt là trong thời buổi tái cơ cấu nông nghiệp, thế nhưng phải xem xét, chuyển đổi sao cho phù hợp và phát triển ổn định.
Tức là bà con phải trồng theo quy hoạch, có khoảng cách hợp lý, đầu tư giống sạch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc BVTV chứ không phải trồng theo kiểu du canh như hiện nay”.
Related news
Đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử vừa qua đã khiến cho người trồng lúa ĐBSCL tìm đến những bộ giống chịu được độ mặn cao.
Trồng ổi trên chân đất pha sét. Trái lớn trong túi bao quả. Điều khiển cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Và sử dụng phân bón hợp lý...
Rắn mối được xem là món ăn cực kỳ bổ dưỡng, nhất là đối với sinh lực quý ông. Loài rắn mối có điểm đặc biệt là “yêu” nhau kéo dài hàng giờ, khi đã vào cặp là cứ thế nằm dính lên nhau, kể cả bị bắt lên tay cũng không chịu rời ra.