Home / Gia súc-Gia cầm / Nuôi lợn (Heo)

6 cách cải thiện lượng ăn vào của heo con (Phần 1)

6 cách cải thiện lượng ăn vào của heo con (Phần 1)
Author: Ecovet Team (biên dịch)
Publish date: Monday. May 21st, 2018

Chuẩn bị một khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng, ngon, và dễ tiêu hóa với chi phí hợp lý là điều quan trọng nhất trong việc cung cấp dinh dưỡng cho heo con. Tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ, đặc biệt là đối với heo con cai sữa sớm, nếu như khẩu phần chỉ đơn giản được đặt trong máng để heo tự ăn.

Quản lý phương thức cho ăn được xem là tiền tuyến trong cuộc chiến nhằm tăng lượng ăn vào của heo, khi heo ở độ tuổi chưa thực sự thích nghi với thức ăn khô. Dưới đây là những mô tả ngắn gọn về một số phương pháp cho ăn thường được áp dụng.

1/ Cho ăn dặm

Việc sử dụng thức ăn bổ sung trước khi cai sữa (ăn dặm) đã được tranh luận suốt hơn 30 năm qua mà vẫn chưa đi đến kết luận. Có hai luồng ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này: (1) giảm thiệt hại tình trạng sức khỏe của heo nái, nhờ đó cải thiện năng suất sinh sản, (2) sức khỏe heo con tốt hơn như tăng trọng lượng lúc cai sữa, hệ thống enzyme phát triển tốt, vì thế khẩu phần tập ăn ban đầu ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối việc ăn dặm và một trong số đó là nguy cơ xảy ra dị ứng ở thành ruột do các kháng nguyên trong thức ăn gây ra (như protein đậu nành). Nghiên cứu tiến hành tại Đại học Bristol trong nhiều năm chứng minh khi cho một liều nhỏ chất gây dị ứng vào thức ăn trong khoảng thời gian trước cai sữa có thể dẫn đến các phản ứng mẫn cảm nghiêm trọng sau cai sữa, khi heo con tiếp xúc với một lượng lớn protein trong thức ăn.

Do đó giải pháp cho việc ăn dặm bao gồm việc tăng lượng ăn vào để hệ tiêu hóa quen dần với thức ăn khô trước khi bắt đầu cai sữa. Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều đồng ý rằng lượng thức ăn khoảng 500 g cho mỗi heo con trước khi cai sữa sẽ tạo ra dung nạp miễn dịch với các kháng nguyên trong thức ăn và ngăn ngừa các phản ứng tiêu cực xảy ra sau cai sữa.

Để đạt được lượng ăn vào mục tiêu này, một phương án quản lý nghiêm ngặt đã được áp dụng cho tất cả các lứa heo. Nên cung cấp thức ăn tươi, ngon và dễ tiêu hóa ít nhất ba lần mỗi ngày và bắt đầu cho ăn sau khi sinh bảy đến mười ngày. Việc sử dụng thuốc kích thích thèm ăn có thể mang lại lợi ích để đạt được lượng ăn vào mục tiêu. Trong thương mại thực tiễn, thức ăn trong giai đoạn đầu cai sữa được dùng làm thức ăn ăn dặm.

Hầu hết các nghiên cứu không chứng minh được bất kỳ lợi ích nào từ việc cho heo con dưới ba tuần tuổi ăn dặm. Trái lại, ta thấy rõ lợi ích của việc ăn dặm ở heo con sau 21 ngày cai sữa (xem Hình 1).

2/ Cho ăn ở dạng lỏng

Việc sử dụng hệ thống cho ăn dạng lỏng ở heo con sau cai sữa đã được đánh giá trên cả phương diện thương mại và thực nghiệm. Đã có những thành công và thất bại trong những năm qua và công nghệ này đã được chứng minh là rất khó ứng dụng trong thương mại thực tiễn, vì việc kiểm soát hết tất cả các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, vi sinh vật, kỹ thuật và quản lý là điều rất khó.

Tuy nhiên, phương pháp này đã thay đổi nhanh chóng với những cải thiện đáng kể trong mười năm qua. Mang lại lợi nhuận trong năng suất vật nuôi khi hệ thống hoạt động tốt. Lượng ăn vào, tỷ lệ tăng trưởng và hiệu quả thức ăn nói chung được nâng cao so với hệ thống cho ăn khô, vì hệ thống thức ăn lỏng giúp tăng cường sức khỏe đường ruột hơn. Việc cai sữa đột ngột làm giảm các phân tử bảo vệ IgA và các yếu tố tăng trưởng là nguyên nhân gây ra thoái hóa nhung mao, và phải mất rất nhiều ngày để hồi phục, nhưng điều này có thể tránh được khi cho ăn thức ăn lỏng.

Tuy nhiên, cho ăn dạng lỏng không phải là không có vấn đề. Trên thực tế, có sự khác biệt rất lớn trong năng suất heo cai sữa khi dùng hệ thống cho ăn dạng lỏng do có sự khác biệt lớn trong việc sử dụng thiết bị, nguyên liệu thức ăn, và phương án quản lý. Hơn nữa, thỉnh thoảng lượng ăn vào quá nhiều dẫn đến tiêu chảy dinh dưỡng. Việc kiểm soát chất nền vi sinh trong thức ăn có thể gặp nhiều khó khăn. Thức ăn lỏng chứa khoảng 20%-25% chất khô và có xu hướng lên men nhanh chóng cùng với việc giảm nồng độ axit. Điều này rất hữu ích nếu quá trình lên men dẫn đến sản sinh axit lactic hỗ trợ sức khỏe đường ruột ở vật nuôi, nhưng lên men hoặc không lên men thường dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn gram âm và tăng nguy cơ nhiễm tiêu chảy cấp.

Gần đây, những tiến bộ trong phương pháp cho ăn thức ăn lỏng lên men hứa hẹn duy trì một hệ vi sinh ổn định và mang lại nhiều lợi ích hơn cho hệ thống chăn nuôi. Quá trình lên men thức ăn trong khoảng tám giờ ở nhiệt độ khoảng 21˚C có thể làm giảm nhanh chóng nồng độ pH và khả năng sản sinh axit lactic. Việc kiểm soát quá trình lên men và thức ăn trước khi lên men hoặc bắt đầu lên men là phương pháp phát triển mới nhất.

3/ Cho ăn trên đệm

Cho ăn trên đệm hoặc trên sàn là một kỹ thuật tác động mạnh mẽ đến heo con cai sữa sớm khi ăn khẩu phần khô, đặc biệt khi chúng không được hoặc hạn chế tiếp xúc với ăn dặm. Nghiên cứu và thực tế đều chứng minh rằng heo có thể tăng gấp đôi trọng lượng và lượng ăn vào nếu chúng được cho ăn trên một sàn đệm trong vài ngày đầu sau cai sữa. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp quản lý thích hợp, kết quả có thể sẽ không được như mong đợi. Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng một khẩu phần ăn chất lượng cao và dễ tiêu hóa là rất quan trọng khi cho ăn trên đệm, nó như là khẩu phần đầu tiên mà hầu hết heo đều phải ăn. Khẩu phần tập ăn lý tưởng là cám dạng bột, cám dính vào mõm heo và bắt heo phải liếm. Viên và hỗn hợp viên cám (bột) cũng rất hiệu quả, nhưng viên dễ bị lãng phí vì heo có xu hướng cuộn chúng vào tấm đệm. Tấm đệm lớn với đường viền ít nhất là 1cm và bề mặt rãnh được yêu cầu phải giảm lãng phí đến mức tối thiểu. Các tấm đệm nên được đặt cạnh máng ăn nhưng tránh xa góc chuồng, nguồn nước, và đèn nhiệt để tránh tắc nghẽn. Đối với ngày đầu sau cai sữa nên đặt một lượng nhỏ thức ăn trên đệm, và thường xuyên bổ sung thêm thức ăn sau 4-6 giờ như khi heo bắt đầu ăn thức ăn khô.

Luôn luôn có sẵn thức ăn để heo ăn tự do, thức ăn phải sạch và được điều chỉnh phù hợp. Vào ngày thứ hai sau cai sữa, cho ăn hỗn hợp viên và bột nhằm khuyến khích heo tiêu thụ nhiều viên thức ăn để quá trình chuyển đổi khẩu phần diễn ra trôi chảy hơn khi heo bắt đầu tự ăn. Cho ăn trên đệm nên ngưng sau ngày thứ ba hoặc thứ tư trừ khi heo gầy và nhiễm bệnh. Một nguyên tắc chung của hầu hết các nhà chăn nuôi là nên cho heo con ăn trên đệm ít nhất ba lần mỗi ngày, tổng thức ăn 100-150 g/con mỗi ngày để buộc heo con sử dụng máng ăn.

(còn tiếp)

 


Related news

Nhận biết các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của heo nái Nhận biết các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của heo nái

Phần lớn trại chăn nuôi heo nái sinh sản là trại bố mẹ (Parents – PS). Mục tiêu của trại là sản xuất số heo con cai sữa/nái/năm càng nhiều càng tốt

Thursday. May 3rd, 2018
Mẹo nhỏ chăn nuôi heo: “hộp tăng nhiệt độ” cho heo con sơ sinh Mẹo nhỏ chăn nuôi heo: “hộp tăng nhiệt độ” cho heo con sơ sinh

Nhiều trang trại đã xử lý bằng cách cho heo con vào chậu nước nóng, cách làm này thi thoảng cũng có hiệu quả nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề.

Thursday. May 3rd, 2018
Ứng dụng vi khuẩn đông tụ vào xử lý nước thải chăn heo sau Biogas ở ĐBSCL Ứng dụng vi khuẩn đông tụ vào xử lý nước thải chăn heo sau Biogas ở ĐBSCL

Đông tụ là sự kết dính giữa các tế bào vi khuẩn với nhau (cell to cell), dính với các hạt vô cơ, hữu cơ lơ lửng và các vi khuẩn khác trong môi trường tạo thành

Thursday. May 10th, 2018