40 kg muối Sa Huỳnh bằng dĩa cơm bụi
Những ngày cuối tháng 5/2016, trên cánh đồng muối Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), cái nắng cháy da đã “cắt thịt” ruộng muối bỏ hoang nứt thành từng mảng đất khô cằn.
“Giá muối chỉ còn 500 đồng/kg, cào được bao muối khoảng 40kg đã đổ biết bao mồ hôi nhưng bán chỉ được vỏn vẹn 20.000 đồng. Với 4 công lao động mà ăn 1 dĩa cơm bụi (20.000 đồng/dĩa) thì làm sao thấu. Tụi thanh niên còn sức đi làm công đủ nghề, chứ tôi già yếu rồi thì chỉ biết cào muối mong có chén cháo lót dạ qua ngày”, ông Võ Sẵn (58 tuổi) chua xót phân trần.
Theo thống kê của UBND xã Phổ Thạnh, vựa muối Sa Huỳnh có 120 ha diện tích làm muối của 587 diêm dân. Đến cuối tháng 5/2016, có khoảng 30 ha diện tích ruộng muối bỏ hoang và người làm muối bỏ xứ đi làm thuê nơi khác.
Bỏ hoang 3.000 m2 đồng muối, lão nông Nguyễn Nhà (65 tuổi) đắng lòng nhìn ruộng muối phơi nắng, ông cho biết: “Mấy năm gần đây, làm chẳng đủ ăn và vụ mùa nào cũng lỗ vốn. Đến vụ mùa năm nay, các con tôi bỏ đi làm thuê ở xa, bỏ lại hai chồng già ở nhà và bỏ hoang ruộng muối. Tôi cầu mong giá muối tăng trở lại thì con cái mới trở về thôi”.
Ruộng muối bỏ hoang bị rong, rêu chiếm chỗ.
Từ bao đời nay, người dân xã Phổ Thạnh bám đồng muối mưu sinh. Trước thời giá muối tuột dốc thê thảm, diêm dân đành bỏ hoang đồng muối để làm thuê tứ phương. Ông Giả Tấn Tàu - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh nói: “Nếu như tình trạng này kéo dài, vài vụ sau nữa, thương hiệu muối Sa Huỳnh có nguy cơ bị xóa sổ mặc dù thương hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận vào tháng 4/2011”.
Chính quyền các cấp cùng Sở Công Thương tỉnh chậm vào cuộc ngày nào, thương hiệu “muối Sa Huỳnh” dần biến mất và 120 ha đồng muối bỏ hoang phế ngày đó!
Related news
Trạm Khuyến nông thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã thí điểm mô hình nuôi cá đù đỏ thương phẩm (còn gọi là cá Hồng Mỹ) tại 2 hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Văn Sỹ (thôn Quang Vinh, xã Quảng Cư) với quy mô 2.100 con giống trên diện tích 11.000m2. Thị xã Sầm Sơn là đơn vị thực hiện thí điểm đầu tiên nuôi loại cá biển này trong ao, hồ.
Mô hình này nhiều năm qua được triển khai hiệu quả tại một số tỉnh, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Để giúp người nuôi chủ động hơn trong sản xuất, chúng tôi xin khuyến cáo một số giải pháp kỹ thuật.
Sau gần một năm triển khai thực hiện, dự án Nuôi cá tra thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang sắp kết thúc. Dự kiến, trong tháng 6-2016, dự án sẽ được nghiệm thu.