30 doanh nghiệp thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu sang Nga

Tại cuộc tọa đàm “FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội” vừa được tổ chức tại Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, xuất khẩu thủy sản sang Nga hiện chỉ đạt hơn 100 triệu USD/năm, chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.
“Nếu Liên minh châu Âu đã công nhận 400 DN thủy sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thì Nga hiện mới chấp nhận 30 DN Việt Nam. Con số này là quá ít, cho thấy, doanh nghiệp trong nước còn phải vất vả trong việc tìm kiếm đường xuất khẩu thủy sản vào Nga”, ông Nam cho biết thêm.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nga, thời gian qua, doanh nghiệp phải bỏ một khoản phí bôi trơn không chính thức rất lớn, từ 60.000 đến 100.000 USD để xin được mã xuất khẩu.
Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, mỗi năm xuất khẩu hơn 16.000 tấn tôm cá vào các thị trường Mỹ, EU nhưng hiện giờ công ty không tài nào xin được mã xuất khẩu để đưa hàng vào Nga vốn được coi là thị trường dễ tính hơn châu Âu.
Riêng trường hợp Tập đoàn Nam Việt (Navico) từng là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đi Nga nhiều nhất Việt Nam, với giá trị lên tới 60 triệu USD đã từng đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng 1 nhà máy chế biến cá tra dành riêng cho thị trường Nga, nhưng vì bị yêu cầu chi phí bôi trơn không chính thức, nên thủy sản của Navico hiện đã không thể xuất khẩu sang thị trường này.
Để giải quyết câu chuyện này, thời gian qua, doanh nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của Nga nhưng mong đợi và phản hồi thì có sự chậm pha, khoảng cách rất lớn, và DN vẫn rất chật vật để có được giấy thông hành vào Nga.
Thông tin thêm từ Vụ châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, hiện các nước trong EAEU sử dụng hệ thống kiểm soát chất lượng kế thừa quy chuẩn của Liên Xô cũ nên còn khá nhiều bất cập. Vấn đề kiểm soát chất lượng thủy sản nhập khẩu của các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu được thực hiện theo quy trình riêng, rất chặt chẽ. Bởi vậy, ngay cả khi FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực, dự kiến vào đầu năm 2016, thì cũng khó để có thể tăng trưởng xuất khẩu "thần tốc" được ngay.
Ông Dương Hoàng Minh, Phó vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, để được hưởng các ưu đãi, thủy sản, phải đáp ứng về tỷ lệ xuất xứ nguyên liệu, quan trọng nhất là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hoặc mô tả hàng hoá khi cấp nguồn gốc xuất xứ… Bởi vậy, không ai thay doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu nếu muốn bán được hàng hóa.
Related news

Trước áp lực của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “dọa” đóng cửa nhà máy nếu áp dụng quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm mới từ ngày 1-1-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chủ trương cho phép lùi thời gian áp dụng quy định này.

Đó là nhận định của các cơ sở chế biến, sản xuất khô cá lóc ở huyện Chợ Mới (An Giang). Chị Kim Huê, chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc Kim Huê (thị trấn Chợ Mới), cho biết: Khoảng nửa năm nay, cơ sở tiêu thụ bình quân 300 - 400kg khô/ngày, chỉ bằng 1/2 trước đây.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2014 của Khánh Hòa đạt 466 triệu USD, vượt 0,2% so với kế hoạch và tăng 0,4 % so với năm 2013. Như vậy, dù bị tác động của nhiều yếu tố khó khăn, bất lợi từ suy thoái kinh tế thế giới nhưng xuất khẩu thuỷ sản của Khánh Hòa vẫn hoàn thành kế hoạch tăng trưởng đã đặt ra.

Sáng sớm tinh mơ, tại cảng cá Tịnh Kỳ, nhiều tàu đánh bắt cá cơm tấp nập vào bến bán cá. Cá vừa được ngư dân bủa lưới trong đêm nên rất tươi ngon. Chuyện thỏa thuận giá cả giữa thương lái với chủ tàu cũng diễn ra suôn sẻ. Chủ tàu Trần Tấn Thành, ngụ thôn An Vĩnh cho biết: “Năm nay cá cơm tương đối nhiều.

Mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh Cà Mau, nhưng thời gian qua diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Thới Bình phát triển nhanh cả về quy mô và diện tích. Huyện Thới Bình đã trình UBND tỉnh đưa nuôi tôm công nghiệp vào quy hoạch để thuận lợi trong quản lý và phát triển.