Nguy Cơ Bùng Phát Một Số Dịch Bệnh Trong Vụ Lúa Thu Đông
Đến nay, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống được hơn 55.800 ha lúa thu đông 2012. Các trà lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một số loại dịch bệnh hại lúa, nhất là bệnh đạo ôn, đã và đang đe dọa làm giảm năng suất lúa trong vụ thu đông này…
Bệnh đạo ôn đang phát tán
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, tình hình dịch bệnh hại lúa thu đông trong 7 ngày qua (từ 18 đến 25-7) có 3.220 ha bị nhiễm, giảm 1.231 ha so với tuần trước đó, nhưng cao hơn 173 ha so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, gây hại chủ yếu là rầy nâu (802 ha), sâu cuốn lá (205 ha) và nhiều nhất là bệnh đạo ôn (trong tuần có đến 2.162 ha bị nhiễm, tăng 753 ha so với tuần trước đó và cao hơn cùng kỳ 2011 là 259 ha). Các giống lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn chủ yếu là OM 4218, jasmine 85, OM 1490... phân bố tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và các quận Thốt Nốt, Ô Môn.
Vụ lúa thu đông 2012, thời tiết có mưa nhiều, nền nhiệt không còn cao và lên xuống đột ngột như thời điểm sản xuất lúa hè thu 2012. Tuy nhiên, bệnh đạo ôn lại tiếp tục xuất hiện và gây hại cho nhiều trà lúa thu đông đã khiến cho nông dân tại nhiều địa phương không khỏi lo ngại cho năng suất lúa bị giảm và chi phí sản xuất tăng vì phải phun xịt thuốc nhiều lần.
Bà Nguyễn Thị Huệ, ở ấp Thới Phong B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, đang sản xuất 4 công lúa vụ 3, cho biết: “Các năm trước trong vụ thu đông lúa phát triển rất tốt và hầu như không thấy bệnh đạo ôn xuất hiện, nông dân trồng lúa trong vụ này chỉ lo lúa làm trễ có thể bị nước lũ tràn về gây hại. Tuy nhiên, trong vụ lúa thu đông năm nay bệnh đạo ôn đã xuất hiện gây hại cho nhiều ruộng lúa, tôi đã phải 2 lần xịt thuốc nhưng hiện vẫn chưa trị dứt bệnh đạo ôn trên ruộng lúa 1 tháng tuổi, khả năng tới đây lúa bị giảm năng suất là khó tránh khỏi...”.
Theo ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, bệnh đạo ôn xuất hiện nhiều trở lại trong thời gian gần đây đã khiến cho nông dân và một số cán bộ nông nghiệp không khỏi bỡ ngỡ trong việc phòng trị bệnh. Trong vụ hè thu 2012, số lượng nông dân gieo sạ giống lúa OM 4218 trên địa bàn huyện rất lớn, chiếm tỷ lệ khoảng 80% trong cơ cấu giống lúa trên địa bàn. Thế nhưng, OM 4218 có khả năng phục hồi chậm khi bị nhiễm bệnh đạo ôn.
Chính vì vậy, bệnh đạo ôn xuất hiện trong vụ lúa hè thu 2012 kết hợp với vi khuẩn gây thối gốc lúa đã làm thiệt hại nặng cho nhiều ruộng lúa sạ giống 0M 4218, nhất là khi nông dân còn lầm tưởng nó với một số loại dịch bệnh khác (như ngộ độc hữu cơ) nên chưa phòng trị kịp thời và đúng cách. Trong vụ hè thu vừa qua, cũng đã có trường hợp nông dân vội phá bỏ lúa (tổng cộng có 40 ha) để gieo sạ lại khi thấy lúa mới khoảng 10 ngày tuổi mà bị nhiễm bệnh nặng. Trong vụ thu đông này, nông dân đã chuyển từ OM 4218 sang sạ các giống lúa khác để hạn chế bị ảnh hưởng của bệnh đạo ôn nhưng hiện tỷ lệ sạ giống này vẫn còn cao, điều này cũng đang gây lo ngại về khả năng nhiều ruộng lúa sẽ bị giảm năng suất nếu bệnh đạo ôn tiếp tục xuất hiện nhiều.
Ông Đoàn Đức Trường cho biết thêm: “Ngành nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo ruộng lúa nào bị nhiệm bệnh nông dân không nên làm lúa giống. Nông dân nên chuyển từ OM 4218 sang gieo sạ các giống lúa triển vọng khác như: OM 9605, OM 8328, OM 5451... Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nông dân gieo sạ giống OM 4218 vẫn còn cao, ngành nông nghiệp huyện đang tiến hành thống kê để nắm con số chính xác...”.
Ông Lâm Minh Trí, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết: Trà lúa thu đông ở địa phương cũng đã xuất hiện bệnh đạo ôn rải rác, do vụ này nông dân gieo sạ giống OM 4218 tương đối nhiều, trong khi ở vụ hè thu 2012 giống này đã bị nhiễm đạo ôn và vi khuẩn. Ngoài ra, nông dân xử lý khâu làm đất không đảm bảo cũng làm xuất hiện bệnh đạo ôn. Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện đang tăng cường thăm đồng và hướng dẫn nông dân phòng trị bệnh...
Để phòng trừ dịch hại trên lúa thu đông 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ cũng đã yêu cầu các trạm bảo vệ thực vật các địa phương tăng cường chỉ đạo lực lượng cán bộ kỹ thuật không được chủ quan, lơ là mà tập trung bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn kết hợp với thối gốc vi khuẩn đang có chiều hướng phát triển và lây lan; phát hiện kịp thời và hướng dẫn nông dân tổ chức phòng trừ, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa đúng theo hướng an toàn và bền vững...Không được chủ quan với nước lũ
Ngay từ đầu vụ lúa thu đông năm nay, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ có kế hoạch xuống giống vụ này đạt khoảng 54.000 ha. Tuy nhiên, đến nay nông dân thành phố đã xuống giống lúa thu đông được hơn 55.800 ha và ở một số huyện nông dân chưa xuống giống dứt điểm vụ này. Theo nhận định của ngành nông nghiệp thành phố, diện tích xuống giống lúa thu đông 2012 trên địa bàn thành phố có thể cao hơn kế hoạch vài ngàn ha. Do năm nay, nhiều địa phương đã làm tốt công tác thủy lợi mùa khô, vận động người dân củng cố hệ thống đê bao nên có điều kiện mở rộng diện tích lúa. Ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo các địa phương phải chỉ đạo nông dân sản xuất vụ lúa thu đông tập trung, đảm bảo ăn chắc; nơi nào sản xuất nhỏ lẻ và không đảm bảo đê bao thì không nên xuống giống...
Để đảm bảo vụ lúa vụ 3 “ ăn chắc”, nông dân tại các địa phương trên địa bàn thành phố đã tuân thủ khá tốt các khuyến cáo của ngành nông nghiệp như: làm tốt việc gia cố đê bao, vệ sinh đồng ruộng, xuống giống tập trung né rầy, đặc biệt chỉ xuống giống trong các vùng có đê bao đảm bảo...
Đến ngày 25-7, toàn huyện Vĩnh Thạnh nông dân đã xuống giống lúa thu đông được 8.200 ha, nhưng vẫn còn 2 xã Thạnh Thắng và Thạnh Lợi chưa xuống giống dứt điểm, xã Thạnh An chưa xuống giống. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Năm nay có thể nước lũ cao nên ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo nông dân vùng nào không an toàn đê bao không xuống giống và được nông dân tuân thủ. Trong số gần 10.000 ha dự kiến xuống giống vụ thu đông này, phần lớn là gieo sạ sớm và thu hoạch trước khi đỉnh lũ về, chỉ có vùng Bắc Cái Sắn (các xã Thạnh An, Thạnh Thắng và Thạnh Lợi) thu hoạch sau đỉnh lũ về nhưng vùng này chủ yếu sản xuất ở trong vùng đê bao đảm bảo.
Ở huyện Cờ Đỏ, đến nay nông dân đã xuống giống lúa thu đông được hơn 13.424 ha/kế hoạch 11.420 ha, tăng khoảng 2.000 ha so với vụ thu đông 2011. Như vậy, nhiều địa phương có hệ thống đê bao tốt, khả năng chịu ảnh hưởng của nước lũ đã mở rộng diện tích gieo sạ lúa thu đông 2012 so với năm trước. Mối đe dọa từ nước lũ vẫn còn rất lớn, nhiều ruộng lúa có thể bị thiệt hại nặng nếu nông dân trong các vùng sản xuất lúa có sự chủ quan. Ngành chức năng và nông dân các địa phương cần quan tâm tiếp tục gia cố đê bao và phối hợp tốt với nhau trong việc bảo vệ các đê bao khi nước lũ về, tất cả nhằm đảm bảo vụ lúa thu đông 2012 ăn chắc.
Related news
Thời vụ đang đến gần, tại Hà Nội cơ bản các huyện, thị đã có kế hoạch sản xuất lúa vụ mùa nói chung và sản xuất lúa Nhật Japonica nói riêng.
Cái nắng gay gắt giữa tháng 5 không ngăn được sự phấn khởi của người nông dân khi cầm trên tay những bông lúa vàng ươm, nặng trĩu của giống lúa Nhật J01.
Việc bố trí thời vụ và hướng dẫn kỹ thuật đối với các giống lúa Japonica nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết bất thuận trong vụ mùa.
Bệnh cháy bìa lá hay còn gọi là bạc lá trên lúa do vi khuẩn Xanhthomonas oryzae gây nên thường xuất hiện ở giai đoạn đòng trổ sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Hiện trà lúa mùa sớm ở Nam Định đang bắt đầu đẻ nhánh. Song, rầy lứa 4 đã xuất hiện trên cánh đồng lúa với mật nơi cao từ 100 - 200 con/m2.