Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến

Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong huyện Phú Tân (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Theo nhiều hộ thực hiện thành công mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, từ nuôi tôm quảng canh truyền thống chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến rất dễ thực hiện. Bởi, mô hình này không đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật không cao, tỷ lệ rủi ro thấp và khả năng thành công cao hơn.
Phần lớn nông dân trong huyện quen lối nuôi tôm theo hình thức truyền thống, thả gối vụ, khi chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, bà con chỉ thêm công cho ăn, kiểm tra nguồn nước, môi trường.
Đây là cơ sở để nông dân từng bước làm quen với phương thức làm ăn theo tác phong công nghiệp như: theo dõi tình hình tôm nuôi, quản lý thức ăn, môi trường, sử dụng chế phẩm sinh học. Sau vài vụ nuôi, nông dân tích luỹ được kinh nghiệm, kể cả vốn để chuyển sang nuôi tôm công nghiệp là con đường chắc chắn nhất.
Đến nay, huyện Phú Tân có gần 4.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, năng suất bình quân trên 500 kg/ha. Với mô hình này, nhiều bà con có mức thu nhập vượt ngưỡng 50 triệu đồng/ha. Điển hình như hộ ông Thái Văn Kía, ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận, với diện tích 1,2 ha, thu hoạch trên 500 kg/ha/vụ.
Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn huyện Phú Tân tăng nhanh là do năng suất đạt khá cao so với nuôi quảng canh cải tiến, lại dễ làm hơn nuôi tôm công nghiệp.
Ông Trần Minh Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, cho biết, trong quá trình sản xuất, nông dân tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, vốn và cách thức sản xuất dần có sự thay đổi. Điều đó đòi hỏi nông dân phải nghiên cứu, đầu tư về kỹ thuật, công chăm sóc nhiều hơn.
Nông dân còn có thể cải tạo đất để gieo cấy lúa khi mùa vụ đến. Mô hình này phù hợp để thực hiện ở những vùng quy hoạch thực hiện luân canh lúa - tôm ở các xã: Phú Mỹ, Phú Thuận và Phú Tân.
Related news

Cách đây vài năm, người trồng cam sành ở huyện Kế Sách còn ngêu ngao câu ví buồn: “Cam sành lột vỏ còn “cay”/Nông dân điêu đứng vì cam sau nhà…”. Ấy vậy mà, sau hơn 2 năm thực hiện mô hình trồng cam sành theo dự án Jica do Nhật Bản tài trợ đã xóa tan đi câu ví một thời.

Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế miền đất nhiễm mặn, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đang hỗ trợ huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) thâm canh mãng cầu xiêm - cây trồng đặc sản đang cho hiệu quả kinh tế cao theo tiêu chí VietGAP.

Ngày 16/4/2013, Trung Tâm Khuyến nông Khuyến Ngư (TTKNKN) Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Hội nông dân xã Tóc Tiên tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi ba ba thương phẩm trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp” cho hơn 40 nông ngư dân xã Tóc Tiên và xã Hắc Dịch của huyện Tân Thành.