Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến
Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong huyện Phú Tân (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Theo nhiều hộ thực hiện thành công mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, từ nuôi tôm quảng canh truyền thống chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến rất dễ thực hiện. Bởi, mô hình này không đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật không cao, tỷ lệ rủi ro thấp và khả năng thành công cao hơn.
Phần lớn nông dân trong huyện quen lối nuôi tôm theo hình thức truyền thống, thả gối vụ, khi chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, bà con chỉ thêm công cho ăn, kiểm tra nguồn nước, môi trường.
Đây là cơ sở để nông dân từng bước làm quen với phương thức làm ăn theo tác phong công nghiệp như: theo dõi tình hình tôm nuôi, quản lý thức ăn, môi trường, sử dụng chế phẩm sinh học. Sau vài vụ nuôi, nông dân tích luỹ được kinh nghiệm, kể cả vốn để chuyển sang nuôi tôm công nghiệp là con đường chắc chắn nhất.
Đến nay, huyện Phú Tân có gần 4.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, năng suất bình quân trên 500 kg/ha. Với mô hình này, nhiều bà con có mức thu nhập vượt ngưỡng 50 triệu đồng/ha. Điển hình như hộ ông Thái Văn Kía, ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận, với diện tích 1,2 ha, thu hoạch trên 500 kg/ha/vụ.
Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn huyện Phú Tân tăng nhanh là do năng suất đạt khá cao so với nuôi quảng canh cải tiến, lại dễ làm hơn nuôi tôm công nghiệp.
Ông Trần Minh Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, cho biết, trong quá trình sản xuất, nông dân tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, vốn và cách thức sản xuất dần có sự thay đổi. Điều đó đòi hỏi nông dân phải nghiên cứu, đầu tư về kỹ thuật, công chăm sóc nhiều hơn.
Nông dân còn có thể cải tạo đất để gieo cấy lúa khi mùa vụ đến. Mô hình này phù hợp để thực hiện ở những vùng quy hoạch thực hiện luân canh lúa - tôm ở các xã: Phú Mỹ, Phú Thuận và Phú Tân.
Có thể bạn quan tâm
Hai năm trở lại đây, mô hình nuôi cá bóp bằng lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sinh sống tại đảo Hòn Chuối (Cà Mau). Đó là tín hiệu đáng mừng để người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo.
Ngày 7-7, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong tuần qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đã xảy ra ở 6 tỉnh, thành Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, TPHCM, Tiền Giang và Cà Mau. Tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh đốm trắng là 1.843ha và diện tích bị thiệt hại do hội chứng gan tụy cấp là 2.797ha. Địa phương có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau.
Với ưu thế “Cận lộ, cận giang”, nhất là tận dụng dòng sông Lô chảy qua với nhiều loài cá quý hiếm tự nhiên, người dân Thái Hòa (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã đánh bắt và chuyển sang nuôi thử nghiệm những giống cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Giờ thì riêng khoản nuôi cá chiên lồng trên sông Lô đã trở thành “nghề hốt bạc” của nhiều hộ nông dân nơi đây.