Prices / Mô hình kinh tế

Tìm Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Cá Ngừ

Tìm Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Cá Ngừ
Author: 
Publish date: Thursday. July 4th, 2013

Trước tình hình chất lượng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam đang giảm sút mạnh, có nguy cơ mất thương hiệu trên thị trường thế giới, Bộ NN-PTNT vừa đưa ra hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp thu câu, xử lý, sơ chế, bảo quản cá ngừ khai thác bằng nghề câu, đồng thời xây dựng và chuẩn bị triển khai đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.

NHIỀU TỒN TẠI

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thời gian gần đây, số lượng tàu hành nghề câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp để đánh bắt cá ngừ tăng nhanh. Hiện cả nước có khoảng 3.455 tàu chuyên khai thác cá ngừ, nhưng đã có hơn 1.200 tàu hành nghề câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp. Riêng tỉnh Bình Định có khoảng 1.035 tàu hoạt động bằng nghề này.

Từ cuối năm 2011, nghề câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp xuất phát từ một số ngư dân ở tỉnh Bình Định hành nghề chụp mực bốn tăng gong. Đây là một nghề mới phát sinh, chưa có trong danh mục nghề khai thác thủy sản ở nước ta. Ngư dân Hồ Thanh Tân ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết: “Hiện nay hầu hết các tàu câu cá ngừ truyền thống ở tỉnh Bình Định đều chuyển sang nghề mới này, trung bình mỗi chuyến biển, một tàu có thể đánh bắt từ 50 đến 140 con cá ngừ (tương đương khoảng 2 đến 7 tấn) và khoảng 1 tấn mực.

Nghề mới này chi phí mua ngư lưới cụ rất thấp, thời gian đánh bắt được rút ngắn còn khoảng từ 10 đến 15 ngày, số lượng thuyền viên cũng giảm còn khoảng 4 người; chi phí nhiên liệu giảm còn 1/3 so với trước, kỹ thuật câu thì đơn giản. Tuy giá bán chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 giá cá ngừ câu vàng, nhưng nhờ số lượng nhiều nên thu nhập tăng 2 đến 3 lần so với trước đây”.

Theo Tổng cục Thủy sản, cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp chất lượng không đạt để ăn tươi, do đó giá cá cũng giảm từ 60 đến 70% so với năm 2012.

Do ảnh hưởng giá cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp nên giá cá ngừ chất lượng cao khai thác bằng nghề câu vàng truyền thống cũng giảm từ 30% đến 40%. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Đa số cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp có chất lượng rất thấp, thịt cá bị chua, độ đàn hồi kém.

Nguyên nhân là do khi khai thác bằng ánh sáng của đèn cao áp, cá được bắt lên từ độ sâu lớn, trong thời gian ngắn, bị thay đổi đột ngột về áp suất, nhiệt độ và cá vùng vẫy mạnh dẫn đến hiện tượng tự phát sinh Axitlatic và độc tố Histamin, dẫn đến hủy cơ thịt cá. Tuy nhiên, do sản lượng khai thác của nghề câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp đạt hiệu quả cao nên số lượng tàu chuyển sang nghề này hiện không thể kiểm soát, dẫn đến khả năng khai thác quá mức làm suy giảm nguồn lợi thủy sản”.

Hiện nay, cá ngừ của Việt Nam đã thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, thế nhưng nghề khai thác cá ngừ vẫn còn ở quy mô nhỏ, tự phát, kỹ thuật khai thác chế biến còn mang tính thủ công, khai thác bất chấp mùa vụ, kích cỡ. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay hoạt động thu mua cá ngừ còn manh mún, hoạt động chế biến, xuất khẩu không ổn định, còn lệ thuộc vào các thị trường xuất khẩu. Công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch không đúng quy trình kỹ thuật, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động này còn hạn chế, chưa kiểm soát được sản lượng, chất lượng cá ngừ; chưa có cơ chế, chính sách, kế hoạch quản lý đối với nghề này. Hoạt động khoa học, khuyến ngư triển khai quá ít; các tiêu chuẩn chất lượng, công nghệ bảo quản, chế biến cá chưa được ban hành. Cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá cũng như nguồn nhân lực phục vụ hoạt động này chưa đáp ứng nhu cầu để phát triển thành ngành công nghiệp cá ngừ hiệu quả và bền vững.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, hiện công tác dự báo ngư trường, nguồn lợi và diễn biến thị trường đối với cá ngừ chưa chính xác và kịp thời; thiếu cơ chế chính sách về quản lý hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Tàu thuyền và phương tiện khai thác, bảo quản sản phẩm còn lạc hậu; ngư dân chưa được đào tạo về kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm, sử dụng các thiết bị phục vụ khai thác và bảo quản sản phẩm cá trên tàu. Thêm vào đó, ý thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường, hợp tác trong tổ chức sản xuất chưa cao…

LÀM LỒNG RỘNG CÁ

Thời gian qua, chất lượng cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu ngày càng giảm sút, có nguy cơ mất thương hiệu trên thị trường thế giới. Để đảm bảo chất lượng, xây dựng lại uy tín, Bộ NN-PTNT đã có hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp thu câu, xử lý, sơ chế, bảo quản cá ngừ khai thác bằng nghề câu. Theo đó, đối với nghề câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp phải ưu tiên sử dụng lưỡi câu vòng để tránh cá bị tuột lưỡi câu, thực hiện phương pháp thu câu chậm. Trước hết thu ngắn dây triên và thẻo câu khoảng 50%, cố định dây triên vào phao bù, đồng thời dịch chuyển ngay phao bù ra xa tàu để tránh rối các dây triên khác, ngâm câu khoảng 60 phút để cá phục hồi cơ thịt rồi mới thu câu đưa cá lên tàu.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bá Hải, đưa ra biện pháp: “Thay vì thu câu chậm và tránh trường hợp cá bị tuột khỏi lưỡi câu, các chủ tàu câu nên làm một lồng để rộng cá phục hồi cơ thịt, sau đó mới đưa lên tàu sơ chế, bảo quản. Tuy nhiên, phương pháp rộng cá bằng lồng rất tốn kém và gặp nhiều khó khăn khi sóng to, biển động…”. Trong khi đó, ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) phân vân: Việc tổ chức thu câu chậm hoặc phương pháp rộng cá bằng lồng thì ngư dân có thể làm được, nhưng giá thu mua cá có đáp ứng đủ công sức và vốn đầu tư mà ngư dân bỏ ra hay không?.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Đào Hồng Đức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ngư dân và chính quyền các địa phương có liên quan đến khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá ngừ cần sớm khắc phục những tồn tại và khó khăn như đã nêu ở trên. Có như vậy thì nghề câu cá ngừ đương nhiên sẽ phát triển bền vững.

Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và chuẩn bị triển khai đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ và sản xuất cá ngừ theo chuỗi. Mục tiêu là đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững với cơ cấu nghề, số lượng, chất lượng, phương tiện phù hợp với nguồn lợi, ngư trường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của ngư dân; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp cá ngừ hiệu quả và bền vững


Related news

Có Thể Tiêm Phòng Cùng Lúc Vắc Xin Lở Mồm Long Móng Và Tụ Huyết Trùng Trên Đàn Bò Có Thể Tiêm Phòng Cùng Lúc Vắc Xin Lở Mồm Long Móng Và Tụ Huyết Trùng Trên Đàn Bò

Ngày 6.6, Hội đồng khoa học Sở Khoa học công nghệ Quảng Nam tổ chức hội thảo nghiệm thu và đã thông qua đề tài “Thử nghiệm phương pháp tiêm phòng cùng lúc vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên bò” của Chi cục Thú y tỉnh.

Thursday. July 4th, 2013
Hiệu Quả Từ Trang Trại Tổng Hợp Trên Đồi Hiệu Quả Từ Trang Trại Tổng Hợp Trên Đồi

Trong chuyến đi công tác tại huyện Lạng Giang, chúng tôi được biết Tân Thanh là xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao. Một trong số đó có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chiến ở thôn Mải Hạ làm giàu từ trang trại tổng hợp vườn- chuồng. Với tổng diện tích 2,7 ha trồng vải và nuôi các loài động vật hoang, mỗi năm ông Chiến thu về 200-300 triệu đồng.

Thursday. July 4th, 2013
Đồng Tháp Phát Triển Mạnh Nghề Nuôi Cá Tra Giống Đồng Tháp Phát Triển Mạnh Nghề Nuôi Cá Tra Giống

Phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã củng cố và phát triển mạnh nghề nuôi cá tra giống và trở thành một trong những địa chỉ cung cấp cá giống hàng đầu của tỉnh và đồng bằng sông Cửu Long.

Thursday. July 4th, 2013