Cơ Giới Hóa Trong Nông Nghiệp Ở Ninh Sơn
Trong những năm qua, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất ở huyện Ninh Sơn đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trên diện tích canh tác.
Toàn huyện Ninh Sơn có diện tích đất nông nghiệp hơn 17.000 ha, trong đó ngoài một số diện tích lúa tập trung chủ yếu ở Lương Sơn và rải rác một số xã khác, thì đa phần diện tích đất phù hợp với việc phát triển các loại cây công nghiệp như mía, mì và một số cây lương thực khác.
Nếu như cách đây vài năm, những công việc như làm đất, gieo cấy, tưới nước, thu hoạch … còn chiếm khá nhiều thời gian và sức lực của người lao động, thì hiện nay tại Ninh Sơn đa phần những công việc ấy đã được thực hiện bằng cơ giới hóa.
Nông dân thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn áp dụng cơ giới hóa vào chăm sóc mía.
Nhiều vùng nông thôn của huyện đã có sự thay đổi toàn diện nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giảm thiểu sức lao động, giảm chi phí và tăng giá trị sản xuất.
Để khuyến khích nông dân đưa cơ giới vào sản xuất, ngoài các chính sách chung của Trung ương, tỉnh, những năm qua địa phương cũng tạo đã tạo mọi điều kiện, cơ chế hỗ trợ cho các tập thể, hộ cá nhân được vay vốn mua sắm máy móc ứng dụng vào sản xuất.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 500 máy cày loại có công suất từ 12 CV đến trên 35 CV; 30 máy gặt đập liên hợp…cùng hàng trăm các loại máy móc khác phục vụ sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch. Các địa phương khó khăn như Ma Nới, Lương Sơn đến nay nông dân cũng đã có hàng chục các loại máy cày, máy xới đất, máy gặt phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.
Điểm đáng mừng trong việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Ninh Sơn hiện nay là cơ giới hóa vào sản xuất cây mía. Qua mô hình cơ giới hóa trong sản xuất cây mía (giai đoạn 2011- 2013), từ năm 2011 đến nay, huyện đã được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh triển khai đưa vào thí điểm, chuyển giao một số máy móc hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất cây mía gồm: 5 máy nâng mía và 18 máy làm đất đa năng. Trong đó, loại máy làm đất đa năng đang bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giảm thiểu sức lao động và chi phí sản xuất cho người trồng mía.
Anh Nguyễn Minh Hướng, Trưởng Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện cho biết: Việc chuyển giao thí điểm các loại máy hỗ trợ sản xuất mía đang bước đầu thu hút được sự quan tâm của nông dân tại địa phương, trong đó loại máy làm đất đa năng sau khi đưa về thí điểm bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, hiện nay nhiều hộ dân các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn và Thị trấn Tân Sơn đã liên hệ với trạm để đặt mua.
Được biết, trong năm 2013 Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh sẽ tiếp tục thí điểm chuyển giao thêm một số máy chặt mía gom hàng về địa phương. Đây là tín hiệu vui cho việc định hướng phát triển bền vững cây mía nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là địa hình vốn không bằng phẳng, chủ yếu là đất gò, dốc nên việc áp dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp tại một số địa bàn sẽ bị hạn chế. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho huyện Ninh Sơn là chú trọng hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng để việc hiện đại hóa trong nông nghiệp đạt hiệu quả cao.
Có thể nói, hiệu quả của việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất ở Ninh Sơn những năm qua đã tạo bước chuyển tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Riêng trong năm 2012, nhờ áp dụng cơ giới hóa đã góp phần tạo được sức bật trong sản xuất nông, lâm, thủy sản với việc việc tăng giá trị sản xuất của ngành 8,4%; tổng sản lượng lương thực vượt 20,2 % kế hoạch. Không chỉ góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, mà còn góp phần tích cực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Related news
Dự án “Mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận” được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Tổ chức iDE triển khai thực hiện từ tháng 2-2011. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình không chỉ giúp người dân giải quyết vấn đề khó khăn về nước sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng mà còn góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trên những vùng đất khô cằn.
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, với diện tích canh tác hàng năm hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa cả nước. Tuy nhiên, đây là một trong 5 vùng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu nên nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn.
Mấy ngày nay, nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè ở Tiền Giang phấn khởi do giá cá điêu hồng nằm ở mức 41.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Với giá bán này, sau khi trừ mọi chi phí, người nuôi cá bè có thể lãi trên 50 triệu đồng/bè khi thu hoạch.