Tập Trung Sản Xuất Rau An Toàn
Tại văn bản mới đây về việc “Tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau đảm bảo an toàn thực phẩm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Sở NN-PTNT “Chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư sản xuất rau an toàn tại các vùng sản xuất rau an toàn đã được quy hoạch… Chỉ đạo Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục BVTV tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…”.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng, vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh có tổng diện tích 12.500ha, tập trung tại 4 địa phương là Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng. Con số 12.500ha này là khá lớn - chiếm 77,5% tổng diện tích rau của toàn tỉnh. Trong 12.500ha này, chiếm cao nhất là Đơn Dương: 6.680ha; ít nhất là Lạc Dương: 900ha; diện tích còn lại (4.920ha) thuộc hai địa phương Đức Trọng (3.300ha) và Đà Lạt (1.620ha).
Điều đáng nói, cũng theo quy hoạch này thì toàn bộ 12.500ha sản xuất rau an toàn của tỉnh đều phải được áp dụng quy trình sản xuất an toàn hoặc VietGAP và phải có hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn – HACCP; đồng thời, có trên 50% cơ sở chế biến và bảo quản sản phẩm áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng – HACCP, ISO. Bởi vậy, tại văn bản nói trên của UBND tỉnh, một trong những nội dung đã được nhắc lại đáng quan tâm là: Sở NN-PTNT phải “Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông liên quan đến việc áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm rau an toàn; áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; phổ biến về tác hại và cách nhận biết các nhóm độc tố thường gặp trong các loại phân bón, thuốc BVTV để người sản xuất chủ động không sử dụng…”.
Với yêu cầu cao hơn trong sản xuất rau an toàn này, hy vọng nền nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng vốn được xem là đi đầu trong cả nước sẽ có sự phát triển lên mức cao hơn!
Related news
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm ngô, đậu tương tại ĐBSCL, theo đề án chuyển đổi đất trồng lúa, hiện còn nhiều khó khăn do thiếu hệ thống sấy, chế biến, giá cả không cạnh tranh…
Thời gian gần đây, ở các xã Đắk Sin, Hưng Bình, Đạo Nghĩa và thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp - Đăk Nông), việc thu mua chanh dây như đang lên cơn “sốt”. Chị Đỗ Thị Thu ở xã Đắk Sin cho biết: “Gia đình tôi hiện còn 2 sào chanh dây, thu hoạch tới đâu, tư thương vào mua hết tới đó, kể cả những quả chất lượng xấu. Gia đình tôi đang tính đầu tư trồng chanh dây tiếp trên 3 sào đất trống còn lại”.
Thời gian gần đây ở Bình Dương giá cao su xuống thấp, có thời điểm xuống dưới 450 đồng/độ đã làm cho nhiều chủ vườn bắt đầu thấy bất an. Nhiều chủ vườn đang tìm các phương án tốt nhất để bảo đảm duy trì nguồn thu nhập, trong đó có việc giao khoán vườn cây.