Prices / Mô hình kinh tế

Phát Triển Kinh Tế, Nâng Cao Đời Sống Nhân Dân

Phát Triển Kinh Tế, Nâng Cao Đời Sống Nhân Dân
Author: 
Publish date: Tuesday. July 30th, 2013

Phước Kháng là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc, với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Trong chiến tranh, nhân dân Phước Kháng đoàn kết, một lòng theo Đảng, đấu tranh bảo vệ quê hương. Phát huy truyền thống đó, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc Raglai ở Phước Kháng hôm nay đang tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Xã Phước Kháng hiện có 5 thôn, với trên 500 hộ dân và gần 2.400 nhân khẩu. Đồng chí Katơ Đượng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, Phước Kháng hôm nay đã có đường bê-tông về tận thôn; 98% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% bà con được khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 99%...

Những năm gần đây, nhờ tham gia các mô hình phát triển kinh tế do Nhà nước hỗ trợ như trồng rừng theo Đề án 661, mô hình trồng cây trên đất dốc, cấp đất sản xuất cho hộ nghèo… nhân dân Phước Kháng đã thay đổi tập quán sản xuất cũ, mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích các loại cây trồng để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Dẫn chúng tôi lên thăm rừng neem đã gần 6 năm tuổi, ông Chamaléa Doi, thôn Đá Liệt phấn khởi cho biết, năm 2008, gia đình ông được giao trồng mới gần 1 ha rừng neem theo Đề án 661. Được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên tỷ lệ cây sống đạt gần 100%.

Ngoài việc được hỗ trợ gạo hàng tháng từ Đề án 661, gia đình ông Chamaléa Doi còn có 15 gốc xoài ghép và 5 sào điều cũng được Nhà nước hỗ trợ cây giống trồng từ năm 2007 nay đã cho thu hoạch. Con trai ông là Chamaléa Nhân được tạo điều kiện vay vốn xuất khẩu lao động tại Malaysia từ năm 2011, đến nay đã trả hết nợ vay ngân hàng và có tiền gửi tiết kiệm.

Đề án 661 được triển khai tại xã Phước Kháng từ năm 2008, có 272 hộ dân tham gia trồng mới trên 256 ha rừng neem. Diện tích rừng neem trồng mới được bà con chăm sóc, phát triển tốt đã góp phần phủ xanh đất trống, chống xói mòn đất ở địa phương. Cuộc sống các hộ gia đình tham gia đề án cũng từng bước ổn định nhờ số gạo hỗ trợ hàng tháng.

Cùng với Đề án 661, từ năm 2008 đến nay, xã Phước Kháng có 119 hộ nghèo được cấp đất và hỗ trợ kinh phí để sản xuất. Toàn bộ 27 ha đất được cấp, bà con đều trồng mía với thu nhập bình quân mỗi vụ khoảng 2-3 triệu đồng/sào. Đây thật sự là những con số hết sức ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Raglai.

Đề án “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi giai đoạn 2011-2015”, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc triển khai tại Phước Kháng cũng đang hứa hẹn đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 1 ha cây mít nghệ được triển khai trồng thí điểm hiện đang có dấu hiệu thích nghi tốt, các hộ dân tham gia Đề án rất phấn khởi, tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

Cùng với các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân xã Phước Kháng bước đầu mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật, mở rộng các loại giống cây trồng mới để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy là xã có gần 100% đất đồi núi, thời tiết khắc nghiệt nên việc canh tác hết sức khó khăn nhưng những năm gần đây, bà con đã thực hiện lồng ghép các mô hình và đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng phù hợp, kết hợp với chăn nuôi bò, dê, gà…đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Khoe với chúng tôi những buồng chuối mới, thương binh Chamaléa Dôi, thôn Đá Mài Dưới - một trong những hộ dân tham gia mô hình canh tác trên đất dốc do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ từ năm 2007 chia sẻ: Được Nhà nước hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, bà con mình thấy làm gì cũng dễ hơn, cây trồng phát triển tốt, năng suất hơn, có thu nhập ổn định rồi, không còn sợ đói, sợ nghèo mãi.

Đồng chí Kator Đượng, cho biết thêm: Hiện nay, xã còn 32,47% hộ nghèo. Để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống nhân dân đặc biệt là thay đổi nhận thức của một số hộ dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, thời gian tới, UBND xã Phước Kháng tiếp tục tập trung thực hiện và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; vận động, hướng dẫn bà con tận dụng các vùng đất gò đồi, dưới tán cây để chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.


Related news

Nhiều Hộ Dân Nuôi Cá Sấu Tự Phát, Không An Toàn Nhiều Hộ Dân Nuôi Cá Sấu Tự Phát, Không An Toàn

Qua kiểm tra thực tế tại các hộ dân nuôi cá sấu ở tỉnh Cà Mau cho thấy, đa số những hộ nuôi quy mô nhỏ, chuồng trại đều không bảo đảm an toàn. Phần lớn diện tích chỉ từ 8 - 12m2 nhưng số lượng nuôi từ 10-20 con cá sấu, mật độ như quá dầy, hạn chế sự phát triển của cá.

Tuesday. July 30th, 2013
Thật Hư Về Tác Hại Của Ethoxyquin Thật Hư Về Tác Hại Của Ethoxyquin

Vào cuối những năm 1950, ethoxyquin (tên thương mại là santoquin, santoflex, EQ) đã được cho phép dùng làm phụ gia thực phẩm để bảo quản (E324) chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa sự phân hủy của một số vitamin, ngăn chặn sự phân hóa các chất béo và các hợp chất liên quan, đồng thời ngăn peroxide hình thành trong các loại thức ăn chăn nuôi

Tuesday. July 30th, 2013
Một Số Khuyến Cáo Trong Nuôi Tôm Công Nghiệp Một Số Khuyến Cáo Trong Nuôi Tôm Công Nghiệp

Vụ mùa năm 2011-2012, ở Cà Mau, dịch bệnh tôm chết gây thiệt hại nặng nề cho nuôi tôm công nghiệp. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân tôm chết và cũng chưa có giải pháp khắc phục tôm chết hiệu quả.

Tuesday. July 30th, 2013