Prices / Mô hình kinh tế

Mường Nhé Nhân Rộng Mô Hình Kinh Tế Hiệu Quả

Mường Nhé Nhân Rộng Mô Hình Kinh Tế Hiệu Quả
Author: 
Publish date: Friday. June 28th, 2013

Những năm qua, huyện Mường Nhé đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.

Các phòng, ban của huyện đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới tới người dân, đặc biệt là triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bằng các nguồn vốn Nghị quyết 30a, Chương trình 167, 661, 252 bản đặc biệt khó khăn của tỉnh; vốn sự nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp; vốn sự nghiệp khoa học công nghệ và vốn phát triển sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới và trên 50 tỷ đồng nông dân vay phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, huyện đã triển khai gần 40 mô hình sản xuất nông - lâm – thủy sản. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả đã được triển khai nhân rộng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị của địa phương.

Với trên 10 mô hình chăn nuôi các loại giống mới được triển khai trong thời gian qua, như nuôi:  nuôi vịt, trâu bò sinh sản, ương cá giống, cá thịt… Triển khai thành công mô hình thâm canh lúa nước với nhiều giống lúa năng suất cao như: Nhị ưu 838, IR64, khang dân, tẻ thơm, bắc thơm... các loại cây lạc, đậu tương, bông và cây công nghiệp dài ngày cà phê, cao su, nhãn, xoài ngày càng phát triển. 

Điển hình như mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản theo phương thức bán chăn thả tại xã Mường Nhé đã đem lại hiệu quả tương đối cao. Nhiều hộ khi tham gia mô hình được hỗ trợ ban đầu là 2 con bò sinh sản, sau 3 năm số bò tăng lên 5 - 6 con, cho thu nhập bình quân 12 - 13 triệu đồng/đôi bò sinh sản/năm.

Hay mô hình nuôi vịt thịt và đẻ tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè cũng đã phát huy hiệu quả tốt, các hộ chăn nuôi thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng/năm. Huyện kết hợp với các nông trường của Đoàn 379, các Đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế, cung cấp các loại giống rau, cây lương thực cho nhân dân.

Những mô hình chăn nuôi được triển khai đã từng bước thay đổi tập quán, phương thức chăn nuôi của một bộ phận nhân dân địa phương từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, quảng canh sang chăn nuôi bán chăn thả có sự quản lý, chăm sóc tốt đã tăng hiệu quả trong chăn nuôi, tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân và vươn lên làm giàu.

Huyện xác định phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản tại địa bàn miền núi vùng cao là rất khó khăn, với quyết tâm phát triển ngành thuỷ sản song hành cùng phát triển ngành nông - lâm nghiệp, đưa thuỷ sản trở thành một trong những ngành đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Huyện đã vận động nhân dân tại thị trấn và các xã: Mường Nhé, Chung Chải, Sín Thầu, Leng Su Sìn… tích cực mở rộng diện tích nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi đơn tính...

Qua quá trình nuôi cho thấy các loại cá trên rất phù hợp với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của bà con địa phương. Các loại cá này đều có thời gian sinh trưởng ngắn, quay vòng vốn nhanh, cho thu lãi cao từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Để khuyến khích người dân phát triển nghề thủy sản, huyện hỗ trợ triển khai mô hình ương cá giống trên 3.000m², trên 7,5ha nuôi cá thịt. Phát huy thế mạnh về đất rừng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng cà phê, cao su, nhãn, xoài đang phát triển tốt được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao.

Do vậy trong 5 năm (2007 – 2012), sản lượng và diện tích cây lương thực tăng từ 10.300 tấn lên 18.978 tấn, lương thực bình quân trên đầu người tăng 62,15kg. Các loại cây lương thực ngắn ngày tăng gần 50%, chăn nuôi, thủy sản hàng hóa tốc độ tăng 8,1%/năm, đàn gia súc tăng 21.104 con, gia cầm tăng 46.919 con, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 78ha… có 427 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 47 hộ.

Thời gian tới, để người dân yên tâm đầu tư phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, huyện Mường Nhé đưa ra một số giải pháp, đó là quan tâm tới công tác lập quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện địa hình, thế mạnh và tập quán canh tác của bà con nhằm mục đích tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao giúp người dân làm giàu trên mảnh đất của mình. Tăng cường đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.


Related news

Nỗ Lực Phát Triển Bền Vững Cây Sơ Ri Gò Công Ở Tiền Giang Nỗ Lực Phát Triển Bền Vững Cây Sơ Ri Gò Công Ở Tiền Giang

Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.

Friday. June 28th, 2013
Cách Ném Mạ Khi Gieo Mạ Ném Cách Ném Mạ Khi Gieo Mạ Ném

Khi cấy, gốc và rễ mạ bị dúi sâu 3-5 cm trong bùn đất do vậy cây lúa lâu hồi xanh, đẻ nhánh muộn và hay bị bệnh nghẹt rễ làm giảm năng suất, tăng chi phí phân bón, kéo dài thời gian sinh trưởng. Ném mạ trong phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa khắc phục được những nhược điểm này.

Friday. June 28th, 2013
Phần Lớn Hợp Tác Xã Nuôi Nghêu Ở Ngọc Hiển Tan Rã Ở Cà Mau Phần Lớn Hợp Tác Xã Nuôi Nghêu Ở Ngọc Hiển Tan Rã Ở Cà Mau

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.

Friday. June 28th, 2013