Hiệu Quả Bước Đầu Từ Dự Án Danida Ở Tủa Chùa
Cùng với một số huyện trên địa bàn tỉnh, dự án Danida do Chính phủ Đan Mạch viện trợ ở Tủa Chùa đang được triển khai, thực hiện có hiệu quả, góp phần giúp địa phương hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Từ nguồn vốn dự án Danida, Tủa Chùa đang triển khai, thực hiện 10 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân trên địa bàn. Các mô hình này được lồng ghép với nguồn vốn Nghị quyết 30a và ngân sách huyện. Những mô hình trên được triển khai, thực hiện ở Tủa Chùa chủ yếu là trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp và nuôi con giống.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, trong năm 2012, huyện đã thực hiện mô hình trồng 4ha chè tại: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải; 2ha đào Pháp tại xã Mường Đun, Tủa Thàng; mô hình trồng lê tại xã Mường Báng, Tủa Thàng...
Bên cạnh đó, Tủa Chùa cũng thí điểm trồng cây sơn tra với quy mô 1ha tại 2 xã: Trung Thu và Lao Xả Phình; mô hình thâm canh cá tại thị trấn Tủa Chùa và xã Mường Báng với quy mô 3,7ha; mô hình trồng 1ha cà phê tại xã Mường Báng, thâm canh lúa và trồng chuối tiêu hồng tại bản Huổi Lực, Tả Huổi Tráng xã Mường Báng và xã Mường Đun với quy mô 1ha.
Nhằm kiểm tra tiến độ thực hiện và để người dân thấy được hiệu quả từ các mô hình trên địa bàn các thôn, bản có dự án Danida triển khai, huyện phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra các mô hình trồng chè, chuối tiêu hồng, cà phê, đào Pháp và lê. Qua kiểm tra cho thấy các mô hình đang hứa hẹn cho kết quả khả quan. Mô hình cà phê, đào Pháp, lê... sinh trưởng, phát triển ở mức trung bình còn mô hình trồng chè sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 95%.
Đặc biệt, do phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng cao, cây chuối tiêu hồng tại thôn Huổi Lực, xã Mường Báng sinh trưởng phát triển tốt, cây đẻ nhánh khỏe. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên vận động nhân dân tiếp tục chăm sóc, bón phân để cây, con phát triển tốt. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần lưu ý những biện pháp bảo vệ không để gia súc thả rông vào phá hoại.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các mô hình, huyện Tủa Chùa tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ trồng, chăm sóc cho cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt là lớp lập huấn kỹ thuật và hỗ trợ trồng, chăm sóc cho 4ha chè cho người dân tại các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và xã Sín Chải. Cũng từ nguồn vốn Danida, Tủa Chùa nâng cấp, sửa chữa một số công trình kênh mương phục vụ nước tưới cho sản xuất của người dân. Trong đó, dự án đã đầu tư, hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho người dân khu tái định cư Thủy điện Sơn La tại Huổi Lực, Tà Si Láng và Tà Huổi Tráng, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân.
Dự án Danida ở Tủa Chùa không chỉ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa phương thức sản xuất mới tới người dân mà còn góp phần từng bước giúp người dân vùng cao có cuộc sống ổn định, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Related news
Ông Phạm Quang Tuyến (sinh năm 1960) ngụ ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã chuyển đổi thành công việc nuôi cá lóc và thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp. Mô hình hứa hẹn nhiều khả năng nhân rộng trong thời gian tới...
Những ngày qua ở Phú Yên tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, người dân đổ xô đi chặt cây sắn bán cho thương lái. Cách đây 2 năm, cảnh mua bán cây sắn cũng diễn ra rầm rộ, làm cho nhiều nơi không có sắn giống trồng dặm. Lo ngại nhất hiện nay, nếu các cấp chính quyền không kịp thời ngăn chặn tình trạng này, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên cây sắn sẽ xảy ra.
Người đánh bắt cá, lươn bằng xuyệt điện đi qua thì cánh đồng, khúc sông "ngoắc ngoải" bởi sự đánh bắt tận diệt của con người. Trên thực tế, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện đang tăng dần, môi trường sống bị đe dọa nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt…