Một Nông Dân Thuần Hóa Gà Rừng

Đó là ông Lê Toái (75 tuổi, thôn Xuân Ninh, xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), nguyên là cán bộ kiểm lâm.
Ông Toái cho biết, 1 năm trước, thấy có người bán trứng gà rừng, ông mua về cho gà ri ấp. Chẳng bao lâu, gà rừng con nở và ông phát triển đàn từ đó. Sau khi bán hơn một nửa, hiện nay, đàn gà rừng của ông có hơn 40 con. Theo ông Toái, cùng một lứa, khi gà trống biết gáy (6 tháng), tháng sau gà mái cũng vào tuổi sinh sản. Gà rừng mái thường đẻ trứng ngoài bụi cây, lùm cỏ, ông Toái theo dõi, nhặt trứng về, rồi làm tổ, ép cho gà ri mẹ ấp.
Thường mỗi ổ, gà rừng đẻ không quá 10 trứng. Sau 21 ngày, gà con nở. Gà rừng mái có màu lông vằn như gà nhà nhưng vóc dáng nhỏ, gà trưởng thành chỉ nặng dưới 0,6kg. Gà rừng trống có kích thước lớn hơn, gà trưởng thành có thể đạt trọng lượng 1 - 1,1kg. Thịt gà rừng thơm, ngon và ngọt. Giá gà rừng trống 250.000 đồng/con; gà mái 100.000 đồng/con. Thời gian tới, ông Toái dự định sẽ phát triển mạnh đàn gà rừng bằng cách thu mua từ đánh bẫy và nhặt trứng để cho gà ri, gà ta ấp mà không lai tạo với các giống gà nhà khác để khỏi mất đặc điểm riêng của gà rừng.
Theo ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Xuân Sơn: HND xã đã vận động ông Lê Toái viết sáng kiến kinh nghiệm thuần hóa gà rừng tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật sắp tới. HND xã sẽ hỗ trợ cải tạo chuồng trại, làm lưới 4 mặt, nuôi khép kín, nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Được biết, gà rừng thuộc danh mục động vật rừng thông thường, tuy nhiên khi nhân nuôi, phát triển quy mô lớn phải xin phép cơ quan Kiểm lâm.
Có thể bạn quan tâm

Cùng với việc quy hoạch phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp tập trung đạt diện tích 10.000 ha đến năm 2015, tỉnh Cà Mau chú trọng mở rộng quy mô nuôi tôm theo quy trình VietGAP tại các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển. Phát triển nuôi tôm công nghiệp theo quy trình VietGAP, nhằm mục tiêu năng cao nâng suất, chất lượng mặt hàng thủy sản, cung cấp nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, nghề nuôi cá mú ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) phát triển mạnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có hộ thu nhập khá. Tuy nhiên, do người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi với mật độ quá dày, không thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi… đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi ngày càng trầm trọng và xảy ra dịch bệnh.

Nhằm giúp nông ngư dân nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong nghề ươm, nuôi cua biển trong ao vùng triều, năm 2012, Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã thực hiện mô hình ương cua bột lên cua giống, tại thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, với qui mô 200 mét vuông.