Lao Đao Vì Đào Ao Ương Cá Tra Giống
Sau một thời gian ồ ạt chuyển đất lúa sang đào ao ương cá tra giống thì hiện nay, nhiều nông dân ở xã Thạnh Lộc và Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy - Tiền Giang) đã chọn cách lấp ao và trở lại với nghề trồng lúa truyền thống khi giá cá liên tục sụt giảm, thương lái ngưng thu mua.
Trở lại xã Thạnh Lộc - nơi được xem là "điểm nóng" trong phong trào đào ao ương cá tra giống những tháng đầu năm 2012, hầu hết các hộ ương cá tra đều dở khóc, dở cười trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì... lãnh nợ". Nhiều hộ đã chọn giải pháp lấp ao trở lại trồng lúa hoặc nuôi cầm chờ thương lái thu mua rồi chuyển sang một loại thủy sản khác.
Bà Đặng Thị Ba ở ấp 1, xã Thạnh Lộc cho biết: "Thấy người ta ương cá lợi nhuận cao gấp mấy lần trồng lúa nên đầu năm 2012, tôi chuyển 4 công đất ruộng sang đào ao ương cá. Lời đâu không thấy, chỉ thấy sau 3 vụ, tôi lỗ hơn 200 triệu đồng vì giá thức ăn tăng, đầu ra con giống giảm, tỷ lệ hao hụt cao". Sau đợt thua lỗ nặng vào cuối năm 2012, gia đình bà Ba đã quyết định lấp ao để trở lại trồng lúa.
Gần nhà bà, anh Vơ Văn Giàu vừa thuê cơ giới lấp 6.000 m2 ao ương cá giống để xuống giống vụ hè thu chính vụ. Anh Giàu ngao ngán: "Tôi được xem là may mắn khi đã bán hết số cá trong ao, nếu còn neo còn tiếp tục thua lỗ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bán cá từ thương lái.
Nhiều hộ quanh đây cũng muốn lấp ao để trở lại trồng lúa nhưng mấy tháng nay lái ngưng thu mua, đành nuôi cầm chừng. Chi phí cho cá ăn mỗi ngày là con số không nhỏ, nhất là những hộ vay vốn để đào ao ương cá".
Tại xã Mỹ Thành Bắc, nơi có nhiều nông dân thu về tiền tỷ từ mô hình ương cá tra giống giờ cũng lâm cảnh tương tự. Sau 4 vụ chuyển đất trồng lúa sang đào ao ương cá, thua lỗ hơn 100 triệu đồng, ông Đoàn Văn Dễ ở ấp 2 phải tính đến chuyện lấp ao, bỏ nghề. Ông chua xót: "Thấy lợi nhuận từ cá giống quá lớn nên nhiều người đã đổ xô vào nuôi, kỹ thuật chủ yếu là truyền miệng từ những hộ đi trước.
Thời điểm tôi đào ao, giá cá tra giống ở mức 60.000 đồng/kg, nông dân thu lãi lớn. Nhưng sau đó giá liên tục sụt giảm, chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg trong khi giá cá phải từ 25.000 đồng/kg trở lên người nuôi mới có lãi. Chưa kể nguồn nước ô nhiễm khiến dịch bệnh lây lan, cá chết trắng ao, phải dùng lưới kéo bỏ".
Từ năm 2006, mô hình ương cá tra giống phát triển tại xã Thạnh Lộc và xã Mỹ Thành Bắc. Đỉnh điểm đến năm 2012, tại hai địa phương này đă có trên 100 ha đất vườn, ruộng được nông dân chuyển sang đào ao ương cá, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương về tình trạng phá vỡ qui hoạch diện tích đất trồng lúa và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về đầu ra, tỷ lệ hao hụt cao do nông dân không nắm vững kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm. Hậu quả là từ cuối năm 2012, giá cá tra giống liên tục sụt giảm, đẩy nông dân vào cảnh khó khăn. Chưa kể dịch bệnh phát sinh do nguồn nước ô nhiễm khiến nhiều hộ ương cá gần như trắng tay vì cá chết hàng loạt.
Ông Đặng Tấn Bá - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Cai Lậy cho biết: "Chuyện cá tra giống rớt giá là đương nhiên vì phong trào phát triển "nóng" mặc cho khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Hiện nay, giá cá tra giống chỉ còn khoảng 19.000 đồng/kg, thương lái ngưng thu mua đẩy nông dân vào cảnh thua lỗ trong khi chi phí đầu tư lại rất lớn".
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp xã Thạnh Lộc và xã Mỹ Thành Bắc, từ đầu năm 2013 đến nay, đã có trên 12 ha ao ương cá tra giống được nông dân thuê cơ giới san lấp để trở lại nghề trồng lúa và con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới bởi lượng cá giống tồn đọng ở hộ nuôi khá nhiều, gần như không có đầu ra.
Câu chuyện nông dân lao đao về con cá tra giống ở xã Thạnh Lộc và Mỹ Thành Bắc lại một lần nữa phản ánh thực trạng phát triển cây trồng, vật nuôi theo phong trào, không gắn với nhu cầu thị trường chưa bao giờ cho hiệu quả kinh tế bền vững. Nông dân cần tỉnh táo trước những mô hình tự phát cho lợi ích trước mắt dẫn đến cung vượt cầu và chính quyền địa phương cũng cần định hướng cụ thể để nông dân phát triển kinh tế theo tiềm năng của địa phương một cách bền vững, đúng qui hoạch.
Related news
Đến trang trại của anh Hoàng Văn Công ở thôn Bạch Nao (xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trên ao từng đàn... vịt giời đang bơi lội thoả thê.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) phấn khởi: Năm 2006, chính quyền xã vận động nhân dân thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập. Xã chọn 9 hộ tại thôn Hội Lâm chuyển đổi 2 ha đất trồng mía tại xứ Đồng Cạn sang trồng dưa hấu và bí xanh theo công thức 3 vụ/năm (2 vụ dưa hấu + 1 vụ bí xanh).
Từ bao đời nay, nông dân xã Tân Thủy (Ba Tri - Bến Tre) luôn gắn bó với nghề trồng hoa màu. Trong đó, nhiều nông dân đổi đời nhờ hành tím.