Khai Thác, Phát Triển Nguồn Lợi Thủy Sản
Với lợi thế trên 11.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 2 hồ chứa lớn là hồ thủy điện Tuyên Quang và hồ thủy điện Chiêm Hóa, việc khai thác, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đang được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm..
Anh Phạm Mạnh Thông, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Thuỷ sản tỉnh cho biết, những năm gần đây, công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản được đơn vị thực hiện tại khá nhiều điểm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Mới đây nhất, Chi cục vừa nghiên cứu và cho đẻ thành công cá lăng chấm bằng phương pháp nhân tạo. Đây là kết quả của dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá lăng chấm bằng phương pháp sinh sản nhân tạo” được triển khai từ tháng 1-2012, với quy mô 63 cá lăng chấm bố mẹ.
Chi cục đã cho cá lăng chấm sinh sản nhân tạo trong 3 đợt và thu được hơn 10.200 con cá bột. Sau khi sinh sản, tỷ lệ sống của cá bố mẹ đạt 75%; tỷ lệ thụ tinh đạt trên 60%; tỷ lệ nở đạt trên 45%. Chi cục đã ươm nuôi 10.200 cá bột sau 15 ngày thu được gần 6.000 con cá hương, tỷ lệ sống đạt 58%. Nuôi cá hương lên cá giống, sau 30 ngày thu được trên 3.000 con cá giống, tỷ lệ sống 51,5%.
Bằng phương pháp sinh sản nhân tạo, cá lăng chấm có khả năng tăng trọng nhanh. Sau 6 - 8 tháng, cá sẽ đạt trọng lượng 300g/con, trong khi ở môi trường tự nhiên phải mất 1 năm. Bên cạnh đó, chu kỳ sinh sản của cá rút ngắn còn 3 tháng, bằng 1/4 chu kỳ tự nhiên. Được biết, giá của một con cá lăng chấm giống trên thị trường từ 15.000 - 20.000 đồng/con, giá một kg cá lăng chấm thương phẩm từ 400.000 - 450.000 đồng/kg.
Tuy giá trị kinh tế cao như vậy nhưng hiện nay thị trường tỉnh ta cũng như nhiều tỉnh được coi là địa bàn của giống cá lăng chấm như Hà Giang, Phú Thọ cũng không có nhiều. Như vậy, thành công trong việc sản xuất cá lăng chấm bằng phương pháp nhân tạo sẽ góp phần làm đa dạng nguồn cá giống, nhất là những loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc sống gần các lưu vực sông hồ.
Cùng với đó, hiện nay Chi cục Thủy sản cũng đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án như ứng dụng các phương thức nuôi cá có hiệu quả trên hồ thủy lợi, thực hiện tại 2 hồ Đình (Mỹ Bằng) và hồ Ngòi Là 1 (Chân Sơn) của huyện Yên Sơn, trong đó sử dụng 2 phương thức nuôi là nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng và nuôi thả các giống cá truyền thống như mè, trôi, chép…
Tại Trung tâm thủy sản tỉnh hiện cũng đang được gia hạn để tiếp tục thực hiện đề tài nhân giống cá trắm đen bằng phương pháp sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm. Kỹ sư Trần Quang Nghĩa, Trưởng Phòng kỹ thuật tại Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết, xuất phát từ chính mong muốn đa dạng chủng loài cá phục vụ cho phát triển kinh tế tại địa phương, đề tài khoa học hướng đến việc đưa các giống cá quý vào thực hiện đang được triển khai tương đối hiệu quả.
Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã sản xuất ra 1.000 con cá giống trắm đen và 525kg cá trắm đen thương phẩm. Theo kết quả thực hiện, tỷ lệ sống của cá trắm đen đạt trên 80%. Đề tài đã xây dựng được 2 mô hình tại trại cá Hoàng Khai và trại cá Hưng Thành, hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trắm đen, giúp người dân có định hướng để lựa chọn hình thức nuôi cho phù hợp.
Đề tài nhằm mục đích đưa giống cá trắm đen vào nuôi nhân rộng trên địa bàn tỉnh, để người nuôi có thêm lựa chọn và nhân rộng. Cùng với việc nuôi cho sinh sản nhân tạo, Trung tâm tiến hành nuôi cá thương phẩm, từ con giống trọng lượng 20g năm đầu tiên (năm 2010), đến nay cá trắm đen thương phẩm nuôi tại Trung tâm Thủy sản tỉnh đã có trọng lượng từ 8 đến 10 kg.
Bên cạnh đó, hiện một số đơn vị tư nhân, các hợp tác xã cũng bắt tay vào cùng thực hiện nhiều dự án, đề tài khoa học liên quan đến lĩnh vực này, như HTX Quý Long, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) thực hiện dự án nuôi cá trạch trong bể xi măng; nuôi cá chiên lồng trên vùng hồ thủy điện của hộ gia đình ông Chu Đình Minh (Nà Hang)…
Việc ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất con giống thủy sản đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong tỉnh và là cơ sở để xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa.
Related news
Không ai có thể ngờ, anh nông dân chân chất có cái tên rất hoa mỹ Nguyễn Văn Đẹp đã từng kinh qua nghề "gõ đầu trẻ", sau đó chuyên kinh doanh phụ tùng xe gắn máy. Anh chỉ mới "biến thành" nông dân hơn… 2 năm nay nhưng những "bô lão" nông dân hàng đầu tại vùng đất này cũng phải thán phục kỹ thuật trồng cà chua trong nhà lưới kỹ thuật cao của anh. Nhiều người nói, Đẹp mới vào nghề nông mà chẳng hiểu sao lại rất am hiểu về đất, độ ẩm, nhiệt độ, giống má…, cứ y như là nhà khoa học vậy!
Anh Phạm Văn Vũ (SN 1968), ngụ tại ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) là một trong những ND đầu tiên nuôi bò sữa và làm giàu từ vật nuôi này.
Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai có tổng số đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 1,2 triệu con đang nuôi tại 1.261 trang trại, trung bình mỗi ngày có 4.000 con heo được xuất bán. Sau khi có thông tin một số trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại Đồng Nai, người tiêu dùng đã giảm sử dụng thịt heo, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh, từ 56.000 đồng/kg giảm còn 42.000 đồng/kg, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi của địa phương. Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thiệt hại do giá heo giảm trong thời gian qua ước tính hơn 500 tỷ đồng.