Prices / Mô hình kinh tế

Nhiều Nông Dân Giàu Từ Trồng Sơn

Nhiều Nông Dân Giàu Từ Trồng Sơn
Author: 
Publish date: Saturday. July 27th, 2013

Là loại cây công nghiệp rất kén đất, nhưng đã hợp đất rồi thì phát triển rất nhanh, cho sản phẩm nhiều, giá trị kinh tế cao... cây sơn ta đã được khẳng định ở xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) khi ngày càng nhiều nông dân giàu lên nhờ trồng cây này....

Cây sơn ta không xa lạ gì đối với người dân xã Ngọc Hội, thậm chí nó còn gắn bó từ hơn 20 năm nay đối với đời sống người dân xã này. Khi ấy người ta trồng sơn lấy nhựa phục vụ nghề mộc, quét nhựa lên bề mặt gỗ để vật dụng sử dụng lâu bền hoặc đôi khi trồng chỉ để cho đỡ trống đất, chống xói mòn nên giá trị cây sơn chưa cao.

Thế nhưng vài năm trở lại đây, do tiến bộ KHKT, nhựa sơn là nguyên liệu quý dùng trong công nghiệp chế biến lâm sản, giá tăng chót vót, khiến nhiều hộ nông dân trồng sơn có thu nhập rất cao.

Gia đình anh Lý Văn Suất ở thôn Đầm Hồng 1 là một hộ tiêu biểu trồng sơn làm giàu ở Ngọc Hội từ năm 2007. Chính anh Suất cũng không ngờ cây sơn lại hợp đất đồi nhà anh đến thế, chăm sóc qua loa nhưng 2 năm sau vườn sơn đã bắt đầu cho thu hoạch nhựa.

Nhựa sơn thu hoạch được tư thương tìm đến tận nhà mua hết ngay và còn hẹn cứ có hàng nhiều hay ít thì cứ “alo” là họ đến mua tất. Thấy nhựa sơn quá dễ bán lại được giá cao nên gia đình anh Suất đã mở rộng diện tích trồng cây sơn lên gần 1 ha. Đến nay, mỗi ngày gia đình anh Suất thu hoạch được 5 kg nhựa sơn, bán với giá 280.000 đến 300.000 đồng/kg.

Ngoài gia đình anh Suất còn có hộ anh Hoàng Văn Hoan ở cùng thôn Đầm Hồng 1, người vừa xây ngôi nhà 2 tầng trị giá trên 500 triệu đồng. Anh Hoan tâm sự: “Tất cả cũng là nhờ cây sơn”. Ban đầu, số hộ trồng sơn ở Ngọc Hội không nhiều, sản lượng ít nhưng sau khi thấy được lợi nhuận từ việc trồng sơn, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi từ những cây ngắn ngày giá trị thấp sang trồng sơn và đều đã thành công; thu nhập cao dần, họ trở thành những hộ có kinh tế khá của xã.

Theo kinh nghiệm của một số hộ trồng sơn lâu năm ở Ngọc Hội thì cây sơn rất kén đất nhưng hợp rồi thì bén nhanh và cho lượng nhựa rất khá với chất lượng tốt (giá thu mua cao có khi lên đến trên 300.000 đồng/kg). Chất đất phù hợp nhất với cây sơn là đất đỏ và vàng, đất có độ chua cao thì cho nhựa loãng như nước lã, kém chất lượng. Chính vì thế mà không phải hộ dân nào muốn là đều có thể trồng sơn được, phải trồng thử thấy hợp mới nhân rộng. Thông thường trồng từ 1.400 đến 1.600 cây sơn/ha diện tích là phù hợp nhất.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hội cho biết: “Hiện xã Ngọc Hội có trên 80 ha cây sơn. Trồng tập trung nhiều nhất ở thôn Đầm Hồng 1 với diện tích trên 57 ha, còn lại rải rác ở các thôn khác. Việc trồng cây sơn đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu hiệu quả nên trong thời gian tới xã sẽ cân nhắc mở rộng diện tích một cách hợp lý để tăng thêm thu nhập cho người dân...”.

Để đánh giá thực tế hiệu quả cây sơn ta, các cơ quan chuyên môn huyện Chiêm Hóa cần tiến hành nghiên cứu tìm hiểu về điều kiện thích nghi loại cây này, chất đất phù hợp, tìm giải pháp thâm canh làm tăng năng suất... để từ đó có thể hướng tới lập làng nghề, mở rộng diện tích cây sơn giúp tăng thu nhập cho nông dân trong huyện.


Related news

Ông Châu Văn Quầy, Người Nông Dân Chăm Điển Hình Sản Xuất Giỏi Ông Châu Văn Quầy, Người Nông Dân Chăm Điển Hình Sản Xuất Giỏi

Ông Châu Văn Quầy, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) tuy đã bước qua tuổi ngũ tuần nhưng ông vẫn còn mang dáng hình vạm vỡ, rắn rỏi của con người yêu lao động.

Saturday. July 27th, 2013
Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Cấy Lúa Chống Hạn Ở Phước Chiến Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Cấy Lúa Chống Hạn Ở Phước Chiến

Là thôn đầu tiên thử nghiệm mô hình cấy lúa chống hạn, đến nay thôn Đầu Suối A, xã Phước Chiến (Thuận Bắc) đã bước sang vụ thứ hai. Bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi trước hiệu quả kinh tế từ mô hình này.

Saturday. July 27th, 2013
Anh Trần Dưỡng Làm Giàu Từ Trang Trại Anh Trần Dưỡng Làm Giàu Từ Trang Trại

Trên diện tích đất canh tác 7 ha, anh Dưỡng xây dựng trang trại trồng hành, tỏi, cây ăn trái và chăn nuôi bò. Năm 2008, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn 50 triệu đồng để đầu tư, cải tạo đất rẫy. Không ít người cho rằng cách làm của ông Dưỡng "khùng" sẽ chẳng đi đến đâu. Dám nghĩ, dám làm, anh trồng 1,6 ha xoài, 4 sào táo, 8 sào hành, còn lại trồng cỏ kết hợp với chăn nuôi bò vỗ béo.

Saturday. July 27th, 2013