Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Cá Thương Phẩm
Khi được hỏi về những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Lường Văn Liên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) phấn khởi cho biết: Mô hình kinh tế trang trại VACR của gia đình anh Nguyễn Xuân Tuyến, bản Co Củ là một trong số điển hình của xã.
Nhiều năm liền anh Tuyến được Hội Nông dân tỉnh tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Theo chỉ dẫn của ông Lường Văn Liên, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Xuân Tuyến không quá khó. Trước mắt chúng tôi, trang trại của gia đình anh như một khu du lịch sinh thái thu nhỏ với hệ thống hồ rộng lớn, trong vắt soi bóng những rừng keo, nương sắn xanh ngút ngàn.
Gặp chúng tôi sau khi vét xong mẻ cá thịt bán đổ cho tư thương, anh Tuyến cho biết: Gia đình ít người nên từ khi làm mô hình trang trại, tôi không có thời gian rảnh rỗi, ngày nào cũng phải thức khuya để trông nom, bảo vệ rừng và hồ, dậy sớm để cất cá bán.
Xuất thân từ vùng quê Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) - địa phương có truyền thống ương nuôi, phân phối cá giống cho các tỉnh, thành phố lân cận, năm 1993, trong một lần đi phân phối cá giống tại tỉnh Điện Biên, anh Tuyến nhận thấy, bản Co Củ, xã Thanh Minh có địa hình thuận lợi phát triển VACR. Anh Tuyến quyết định lên Điện Biên lập nghiệp bằng nghề nuôi cá thương phẩm và trồng rừng.
Đến nay, tổng diện tích trang trại của gia đình anh đã hơn 40ha, trong đó có 15ha rừng trồng; 4,3ha hồ nuôi cá; diện tích còn lại trồng màu. Sau khi tìm hiểu và tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, anh Tuyến quyết định chuyển đất trồng màu sang trồng rừng. Toàn bộ 15ha cây keo, tre được đưa vào trồng nay đã lên xanh tốt.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình anh Tuyến tập trung nuôi cá thương phẩm chủ yếu là các loại: Rô phi đơn tính, cá chim, cá chép... Hệ thống ao hồ được phân loại để nuôi từng loại cá cho phù hợp theo kỹ thuật thâm canh gối vụ. Anh Tuyến cho biết thêm: Chính vì nuôi cá từ lúc nhỏ nên kỹ thuật nuôi và chăm sóc rất quan trọng.
Phải thực hiện đúng kỹ thuật và quy trình. Đầu tiên phải tháo cạn phơi khô ao, hồ, khử trùng bằng vôi, tháo nước sạch vào ao rồi mới thả cá giống. Cá giống phải là những con khỏe mạnh, có chất lượng, rõ nguồn gốc.
Để cho cá phát triển tốt, không mắc bệnh phải đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cá. Mỗi ngày anh cho cá ăn từ 3 – 4 bữa (tùy thuộc vào giai đoạn phát triển). Trong quá trình nuôi cần chú ý tới công tác phát hiện và phòng trừ dịch bệnh. Khi phát hiện dịch bệnh phải nhanh chóng có biện pháp cách ly, không cho dịch bệnh lan rộng và dùng thuốc diệt trừ bệnh cho cá.
Nhờ có kinh nghiệm và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, khoảng từ 7 – 8 tháng gia đình anh Tuyến có thể thu hoạch cá. Mỗi con cá thương phẩm có trọng lượng trung bình 1kg. Do có kế hoạch thâm canh gối vụ nên hầu như ngày nào anh Tuyến cũng có cá bán. Để đáp ứng nhu cầu công việc, trang trại anh thuê cũng có từ 2 – 3 lao động làm việc. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Tuyến đã xuất bán khoảng 25 tấn cá thương phẩm, thu về gần 1,1 tỷ đồng.
Anh Tuyến cho biết thêm: Sau khi hoàn thành việc giao đất giao rừng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh sẽ vay thêm vốn, mở rộng diện tích sản xuất, cải tạo mặt nước, mở rộng diện tích ao, hồ, trồng thêm cây ăn quả, phát triển mô hình kinh tế đa dạng hơn.
Related news
Đầu tháng 10-2013, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Đại (Bến Tre) phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Bình Đại tổ chức thí điểm mô hình nuôi lươn trên cạn cho hộ nghèo tại xã Phú Thuận.
Những ngày này đi vào vùng trồng ớt thuộc xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mới có thể thấy hết không khí nhộn nhịp của người trồng ớt nơi đây. Nhiều rẫy ớt nằm san sát nhau cùng rộ lên một màu đỏ thắm của ớt chín với cảnh rộn rã nói cười của người thu hoạch ớt...
Hơn 10 năm nay, nhiều hộ nông dân tại xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hoàng (thôn Vinh Đức) với mô hình nuôi nai đạt hiệu quả cao.