Người Chăn Nuôi Gà “Than Vắn Thở Dài”
Đầu vào tăng, đầu ra liên tục giảm trong nhiều năm liên tiếp, đẩy người chăn nuôi gà ở Tiền Giang lâm vào tình cảnh nợ nần và đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó người tiêu dùng phải mua gà với giá khá cao. Trước tình trạng đó, người chăn nuôi chỉ có nước than vắn, thở dài…
THUA LỖ TRIỀN MIÊN, LẠI BỊ BẮT CHẸT
Đó là tình trạng chung tại các trang trại nuôi gà. Hiện gà thả vườn được thương lái thu mua tại trại là 50.000 đồng/kg và từ 28.000 - 30.000 đồng/kg đối với gà công nghiệp. Như vậy, sau 3 tháng rưỡi chăm sóc, mỗi kg gà người chăn nuôi phải chịu lỗ từ 10.000 - 12.000 đồng (không kể công lao động).
Ông Nguyễn Văn Nam, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo than: Giá giảm mạnh nhưng đầu ra lại nhỏ giọt. Nhiều nơi, gà đến giai đoạn xuất chuồng nhưng không có ai mua. Khó khăn lớn nhất là người dân không còn vốn để giữ gà chờ giá. Bởi, với 1.000 con gà thì tiền thức ăn là 1,2 triệu đồng/ngày.
Ông Nam cho biết: “Bây giờ, thức ăn, thuốc thú y đều tăng nhưng họ không dám bán chịu nữa vị sợ người nuôi thua lỗ, không có khả năng trả nợ. Chúng tôi buộc phải đem sổ đỏ vào ngân hàng để cầm cố mà tiếp tục giữ đàn”.
Trước gánh nặng về chi phí con giống, thức ăn và các khoản vay từ ngân hàng, buộc người dân phải bán đổ, bán tháo nhằm hạn chế bị lỗ thêm. Nắm bắt được tâm lý này thương lái tiếp tục ép giá. Điều này khiến nông dân tiếp tục bị tổn thất nặng nề về mặt kinh tế, khó có khả năng tái đàn.
Theo một thương lái ở huyện Chợ Gạo, phí vận chuyển từ trại gà đến các trung tâm giết mổ, sau đó được chủ các vựa chế biến gà bán sỉ, giá thành tăng thêm 8.000 đồng/kg. Thế nhưng, chỉ từ trung tâm giết mổ đến siêu thị, cửa hàng, chợ lẻ, giá gà công nghiệp đã đẩy lên đến 60.000 - 65.000 đồng/kg. Riêng gà thả vườn có giá cao ngất ngưỡng là 120.000 - 130.000 đồng/kg.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các chợ chuyên kinh doanh thịt gà, giá gà tại trại giảm liên tục nhưng giá gà bán lẻ hầu như không giảm. Chính khâu trung gian cố tình giữ giá bán cao để hưởng lợi đã làm suy giảm nghiêm trọng sức mua của người dân. Đây là thủ đoạn bắt chẹt ép giá đối với người nuôi.
Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Theo tôi việc xảy ra giá bán chênh lệch khá cao một phần là do các thương lái lợi dụng tình hình dịch bệnh để đồn thổi mà ép giá người nuôi”.
Còn ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng cho biết: “Hiện nay, chúng tôi thành lập các đoàn để kiểm soát tình hình giá cả, gà nhập lậu cũng như tuyên truyền cho nhân dân biết tình hình dịch bệnh chưa đủ sức tác động đến giá cả nên hết sức bình tĩnh”.
Chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi đang bị cắt khúc theo kiểu mua đứt bán đoạn, thiếu liên kết, khả năng cạnh tranh yếu. Theo các chuyên gia, ngành Chăn nuôi cần có quy trình khép kín từ con giống, thức ăn đến giết mổ, phân phối để đảm bảo lợi nhuận được chia đều cho các bên và phát triển bền vững hơn. Còn với cách làm như hiện nay, vấn đề thao túng thị trường sẽ mãi là câu chuyện không hồi kết.
KHÔNG CÒN KHẢ NĂNG TÁI ĐÀN
Chưa bao giờ ngành Chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gà lại phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả như hiện nay. Khó khăn lớn nhất là thị trường sụt giảm mạnh về giá cả lẫn sức tiêu thụ. Thực trạng này kéo dài từ tháng 4-2012 đến nay, khiến người chăn nuôi không thể cầm cự, phải bán sản phẩm dưới giá thành nên không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng và không còn khả năng tái đàn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguồn cung và ảnh hưởng đến vấn đề bình ổn giá vào thời gian tới.
Hiện gà công nghiệp được bán với giá tại chuồng là 28.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành 10.000 đồng/kg. Như vậy, sau hơn 3 tháng rưỡi chăm sóc, với tổng 3.000 con thì anh Nguyễn Hoàng Thịnh, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho chịu lỗ 45 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc và số lãi phải trả từ khoản vay ngân hàng. Ông Thịnh cho biết: “Với mức giá như hiện nay, chúng tôi không chỉ trắng tay mà còn lỗ nặng. Vì vậy nếu không có được nguồn vốn vay ưu đãi nữa chắc phải bỏ chuồng trại thôi”.
Toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm 7,3 triệu con, trong đó có 5 triệu con gà. Đặc biệt, hơn 85% người dân chăn nuôi đều sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư chăn nuôi. Điều này cũng đồng nghĩa, khả năng khó tái đàn sau đợt thua lỗ nặng này. Trong khi đó, nhiều đàn gà tới ngày xuất bán vẫn không tìm được đầu ra. Trước khó khăn đó, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để hạ giá thành nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.
Chị Võ Linh Diệu, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo nói: “Thấy được lái gà vô mừng lắm. Họ mua giá nào bán giá đó nhưng khó khăn lắm. Họ lựa chọn, dạt nhiều nhưng mình đâu dám nói, sợ họ bỏ đi rồi không có lái mua”.
Để giúp người chăn nuôi bớt thua lỗ, ngành Nông nghiệp đã và đang tăng cường quản lý tốt dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi mới nhằm hạ giá thành xuống mức thấp nhất. Ngành Quản lý thị trường cũng đang tích cực kiểm tra giá cả tại các chợ bán gia cầm. Động thái này được xem là giải pháp chia sẻ người chăn nuôi trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Related news
Hiện nay, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Hàng triệu hộ chăn nuôi trong cả nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi heo, gà, vịt, cá tra… rớt giá thê thảm, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến người nuôi thua lỗ. Giá gà công nghiệp trong tháng 5-2013, rớt xuống mức thấp kỷ lục 13.000 - 15.000 đồng/kg, chưa bằng 50% chi phí giá thành sản xuất; gà tam hoàng từ 38.000 đồng/kg vào tháng trước, nay giảm còn 30.000 đồng/kg; trong khi giá heo cũng giảm còn 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ, thấp hơn giá thành nuôi là 4 - 4,1 triệu đồng/tạ… Giá rẻ đã đành, song người chăn nuôi muốn bán sản phẩm dù chấp nhận lỗ cũng rất khó.
Từ sau cơn biến động rớt giá trong những năm 2005, 2006 làm các trang trại và người chăn nuôi lao đao, thì hiện nay dê, cừu đã dần lấy lại vị thế với tổng đàn ngày càng tăng.