Làm Giàu Nhờ Nuôi Dông
Anh là người tiên phong, cũng là người giúp nông dân trong xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) nhân rộng mô hình nuôi dông (kỳ nhông) trên cát. Anh là Phạm Khắc Bảo (25 tuổi, thôn Hải Triều, xã Cam Hải Đông) chủ một trại nuôi dông có giá trị lên đến cả tỷ đồng.
Quyết liều… làm ăn
Nhiều năm liền, anh Bảo làm đủ thứ nghề từ đi biển, nuôi tôm, đào bắt dông… nhưng cuộc sống cũng chẳng khá lên, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Trong một lần đi đào bắt dông, anh trăn trở: “Dông tự nhiên bị khai thác đến mức cạn kiệt, tại sao mình không nuôi dông để bán ra thị trường?”. Quyết tâm là làm, cuối năm 2004, anh gom hết vốn liếng dành dụm để đầu tư chuồng trại nuôi dông.
Đó chỉ là vài cái hầm xây bằng gạch, mỗi hầm cao khoảng 2,2m nửa chìm nửa nổi trên mặt đất, phía trên ốp thêm vào mép gạch một miếng tôn lợp trơn khoảng 40cm để dông không bò ra ngoài được. Con giống thì có sẵn trong tự nhiên, chỉ việc chịu khó đi đào và thu mua của người dân là có. Theo anh Bảo, việc nuôi dông dễ làm, thu nhập tương đối khá. Dông từ 8 - 12 tháng tuổi sẽ bắt đầu sinh sản, một con mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa từ 3 - 4 trứng, tỷ lệ sống đạt 80 - 90%.
Với 600m2 trại nuôi, anh Bảo thả 1.500 con giống. Năm đầu tiên (2005), anh thu lại vốn và lãi hơn 20 triệu đồng. Hiện tại, tổng diện tích nuôi dông của anh đã lên đến 4.000m2, trong trại luôn có 3 - 4 tạ dông các loại, trừ chi phí, mỗi năm anh thu về không dưới 100 triệu. “Hiện tại, tôi đang mở rộng trại nuôi theo hướng đa dạng vật nuôi như gà sao, thỏ, rắn; sắp tới nuôi thêm nhím, trăn, heo rừng”, anh tâm sự.
Nhân rộng phong trào
Từ thành công của anh Bảo, phong trào nuôi dông tại xã Cam Hải Đông bắt đầu phát triển mạnh vào giữa năm 2007, hiện toàn xã có hơn 60 hộ nuôi dông lớn nhỏ. Phần lớn trong số họ trước đây làm nghề đi biển, làm đìa tôm, kinh tế rất bâp bênh. Nay, nhờ nuôi dông, nhiều hộ đã dần ổn định và thoát nghèo.
Với mong muốn giúp đỡ các hộ dân khác, anh Bảo luôn tận tình hướng dẫn, hỗ trợ và còn cung cấp con giống cho những ai muốn theo mô hình nuôi dông. Anh còn sẵn sàng làm đại lý, thu mua để người nuôi yên tâm sản xuất.
Về mùa hè, dông bán rất chạy nên thương lái luôn khát hàng.
Theo Hội Nông dân xã Cam Hải Đông: Hiện tại, phong trào nuôi dông trong xã đang phát triển mạnh, từ 2ha năm 2005 - 2006, nay đã hơn 30ha, hộ nuôi thấp nhất cũng đạt 1.000m2, cao nhất 30.000m2. Những hộ dân đầu tư vào nuôi dông đều có kinh tế ổn định. Tuy nhiên, việc nuôi dông cần phải có quy hoạch và định hướng rõ ràng, có một tổ chức lo khâu đầu ra, nghiên cứu rõ thị trường, tránh việc người dân thấy lợi đổ xô đầu tư vào nuôi dẫn đến thị trường bão hòa.
Có thể bạn quan tâm
Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết đang triển khai thí điểm mô hình nuôi 2.000 con cá sấu nước ngọt chất lượng cao tại trại cá sấu Tồn Phát (huyện Củ Chi).
Với bản tính cần cù, chịu khó, sau khi phục viên về địa phương, anh Nguyễn Long Anh (SN 1959) ngụ ấp 2, xã Mỹ Thạnh Bắc (Đức Huệ, Long An), đã cố gắng tích góp đầu tư chăn nuôi với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình.
Nuôi cá kèo là mô hình kinh tế được người dân xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (Cà Mau) áp dụng từ vài năm trở lại đây. Theo ông Nguyễn Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã, đây là mô hình sản xuất hiệu quả, ít rủi ro, tăng thu nhập bền vững, địa phương đang khuyến khích bà con nhân rộng.