Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng-Vật Nuôi, Theo Hướng Phát Triển Bền Vững
Huyện Thuận Bắc có 6 xã với dân số gần 39.000 người, trong đó dân tộc Raglai và dân tộc Chăm chiếm đến 70%. Tuy là địa phương có diện tích đất tự nhiên tương đối rộng, với gần 320 km2, nhưng phần lớn là đồi núi, đất dốc và sỏi đá, tiềm năng để tạo động lực phát triển còn hạn chế, đời sống đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, yêu cầu cần có một hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là rất cần thiết để tạo sự phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Thuận Bắc đã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, coi đây là giải pháp then chốt. Để tạo bước đột phá, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với 61 mô hình (36 mô hình trồng trọt, 18 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình thủy sản, 3 mô hình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất và mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi) đã được huyện triển khai thực hiện. Đến nay, nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 15,6%/ năm.
Đưa chúng tôi tham quan một số mô hình sản xuất tại địa phương, anh Chamaléa Nhanh, Trưởng thôn Xóm Đèn, xã Công Hải, cho biết: Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân ở Xóm Đèn đã dần thay đổi nhận thức, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết tận dụng đất đồi dốc, triền núi để làm mô hình vườn theo kiểu nông-lâm kết hợp, gắn với chăn nuôi, bảo vệ môi trường... nhờ đó, đời sống của đồng bào Raglai nơi đây đã dần thoát nghèo. Toàn thôn không còn hộ nhà tranh vách đất, nhiều hộ trở nên khấm khá.
Theo đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, để đạt hiệu quả cao trên đơn vị diện tích, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng là vấn đề quan trọng. Để có hướng phát triển ổn định, lâu dài, huyện đã quy hoạch 3 vùng sản xuất, đó là vùng chủ động nước tưới chuyên trồng lúa, bắp, rau màu, với diện tích canh tác hơn 2.500 ha; vùng tưới chưa chủ động nước, với diện tích hơn 300 ha, chủ yếu canh tác 1 vụ phù hợp với những giống cây trồng chịu hạn, ngắn ngày; vùng không chủ động nước tưới, với diện tích hơn 4.600 ha, chủ yếu trồng các loại cây ăn trái lâu năm, cây công nghiệp và phục vụ chăn nuôi...
Hiện nay, một số mô hình được các địa phương nhân rộng như: Mô hình thâm canh lúa nước tại các xã miền núi Phước Kháng, Phước Chiến; mô hình sản xuất lúa giống tại xã Bắc Sơn, Bắc Phong; mô hình mía, bắp tại các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Lợi Hải, Công Hải; mô hình nuôi vỗ béo bò, nuôi dê, cừu, nuôi gà siêu trứng, nuôi cá nước ngọt; mô hình cơ giới hóa nông nghiệp…đang được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, hiện giá trị sản xuất tại vùng chủ động nước tưới đã đạt 60 triệu đồng/ha, tăng 20 triệu đồng/ha; vùng chưa chủ động nước đạt hơn 30 triệu đồng/ha, tăng từ 5-10 triệu đồng/ha; vùng không tưới đạt hơn 12 triệu đồng/ha, tăng 2 triệu đồng/ha. Mức lương thực bình quân đã đạt 1 tấn/người/năm. Hiện nay, tại các xã Phước Chiến, Công Hải, Lợi Hải..., bà con từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu bằng cách thay thế cây bắp địa phương có năng suất thấp bằng giống bắp lai cho năng suất cao, đạt bình quân 65 tạ/ha/vụ, lợi nhuận thu được gần 20 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, các mô hình trồng cây mít nghệ, chuối, bắp, trôm... cũng đang mang lại nguồn thu nhập khá.
Không chỉ trồng trọt, trong chăn nuôi, chất lượng đàn gia súc được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt trên 28%, tỷ lệ đàn dê, cừu lai đạt trên 55 %. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nay đã có heo, bò, dê, cừu để nuôi, có hộ còn phát triển cả mô hình nông-lâm kết hợp gắn với chăn nuôi, mô hình vườn-ao-chuồng cho lợi nhuận khá. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 18%, so với năm 2005 là 46%.
Phát huy lợi thế từ các công trình thủy lợi như hồ Sông Trâu, Bà Râu, các kênh mương đã được kiên cố hóa, huyện đang phấn đấu từ nay đến năm 2015, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, phát triển các loại cây, con thuộc lợi thế của huyện, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Related news
Thị trường cao su thiên nhiên vừa qua đã ghi nhận sự giảm giá liên tục, đặc biệt là những tháng cuối năm 2011 và kéo dài đến đầu năm 2012. Các chuyên gia dự đoán năm nay sẽ là một năm đầy khó khăn đối với ngành xuất khẩu cao su Việt Nam. Theo Hiệp hội Cao Su Việt Nam, cần tiến hành nhanh đồng bộ nhiều biện pháp để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2012.
Tốt nghiệp ĐH Nông lâm Huế, Hồ Văn Quân trở lại ngay chính quê hương ở xã Hồng Thủy (H.A Lưới, Thừa Thiên - Huế) để trồng rừng và trồng chuối. Bây giờ anh đã có trong tay 100 ha rừng và 10 ha chuối, mỗi năm thu hoạch hàng trăm triệu đồng.
Gia Lai có 77.500 ha cà phê, trong số diện tích cà phê già cỗi cần cải tạo và tái canh chiếm khoảng 36%, phần lớn của dân. Trên thực tế thời gian qua, chương trình tái canh gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về vốn và kỹ thuật.