Mô Hình "Chung Cư Lợn" 40 Tỷ Đồng Ở
Về xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) hỏi thăm tình hình chăn nuôi sẽ được người dân ở đây chỉ ngay đến ông Long "chung cư lợn". Ông có cái tên như vậy bởi ông là người đầu tiên ở khu vực (mà cũng là người đầu tiên trên địa bàn thành phố) mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi, đưa lợn lên nuôi ở tầng cao nhằm tiết kiệm diện tích, giảm chi phí trong chăn nuôi.
Cơ ngơi chăn nuôi của ông Long được đầu tư khá công phu trên diện tích 2,18 ha với 2 khu chuồng nuôi được ngăn cách bởi một diện tích ao và hệ thống đường nằm giữa. Một bên khu chuồng được xây dựng theo kiểu chuồng một dãy, đây là khu chuồng cũ khởi điểm từ ngày ông Long ra xây dựng trang trại (năm 2007). Đối diện bên kia là một khu chuồng nuôi gồm 4 dãy trong đó 3 dãy chuồng 2 tầng và 01 dãy chuồng 3 tầng trông giống như căn hộ chung cư (mới đưa vào sử dụng đầu năm 2012). Có lẽ đây chính là điều đặc biệt ở trang trại này mà ông Long có cái tên “chung cư lợn”.
Hiện tại khu chuồng tầng “chung cư” này ông chuyên nuôi nái và lợn úm với khoảng trên dưới 100 nái và 1000 lợn úm, còn lợn thịt thương phẩm ông tách hẳn khu riêng nên rất thuận cho việc chăm sóc nuôi dưỡng. Cái được lớn mà ông thấy khi nuôi lợn trên chuồng tầng cao là hạn chế được dịch bệnh do nuôi ở trên cao khí hậu thoáng mát hơn, giảm hẳn được ô nhiễm môi trường trong chuồng nuôi.
Về hiệu quả kinh tế, ông phấn khởi cho biết, khi nuôi trên chuồng tầng tỷ lệ sinh sản cao hơn hẳn khi nuôi ở khu chuồng nuôi cũ. Cụ thể: tỷ lệ động dục, đậu thai đạt cao trên 90%, trước kia là 80 – 85%; Tỷ lệ khô thai, thai chết lưu giảm còn dưới 3%, trước kia 5%. Tỷ lệ con đẻ trên một nái tăng đạt bình quân 9,7 – 10 con trên lứa sau cai sữa. Bên cạnh đó làm giảm tỷ lệ dùng thuốc kháng sinh, thuốc sát trùng chỉ bằng 2/3 so với trước. Trọng lượng con khi sinh tăng hẳn, nếu trước đây từ 1,3 – 1.4 kg/con thì nay đạt trung bình 1,5 – 1,6 kg/con. Số con hao sau cai sữa giảm, độ đồng đều cao hơn hẳn.
Một điều rất quan trọng là khi nuôi ở khu này ông luôn kiểm soát được vệ sinh an toàn thú y, môi trường tốt. Đàn lợn thịt do lợn con được sinh ra trong điều kiện môi trường tốt, trọng lượng cao, úm đảm bảo vì vậy lợn thịt tiêu tốn thức ăn thấp, thời gian chiếm chuồng giảm so với trước kia được 10 ngày trên một lứa. Mặt khác khi chăm sóc nuôi dưỡng lợn ở đây tất cả cùng ở một dãy chuồng nên vừa đỡ tốn nhân công, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ông Long cho biết, sau hơn một năm triển khai nuôi lợn theo kiểu chuồng “chung cư” này ông tiết kiệm được gần 200 triệu đồng chi phí so với trước đây. Từ diện tích hơn 2ha này, hàng năm, như năm 2012, trang trại của ông đã cung cấp ra thị trường gần 800 tấn lợn hơi và hàng ngàn con giống các loại, doanh thu năm 2012 đạt gần 40 tỷ. Định hướng của trang trại trong năm tới là tiếp tục tập trung vào việc tăng đàn nái và tự sản suất giống bố mẹ bằng việc phát triển chăn nuôi thêm 300 lợn nái ông bà; nâng sản lượng thịt lợn hơi đạt 900 – 1000 tấn, có chất lượng tốt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 3000 con giống đạt tiêu chuẩn. Đưa chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi dùng thức ăn sinh học lên 40% vào cuối năm 2013 và những năm tới. Phấn đấu doanh thu trong những năm tới của trang trại đạt trên 50 tỷ đồng.
Mô hình “chung cư lợn” của ông Long là một điểm sáng về phương thức chăn nuôi mới, hy vọng với sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành, sự đồng thuận của người dân, mô hình chăn nuôi của ông ngày càng được nhân rộng.
Related news
Một số nông dân tại các vùng nuôi cá nước ngọt lớn thuộc TP. Biên Hòa, các huyện Định Quán và Trảng Bom cho hay, giá cá nước ngọt, như: chép, điêu hồng, lóc, rô đồng bán tại bè, ao, hồ đang giữ khá cao. Cụ thể, cá chép khoảng 45 - 46 ngàn đồng/kg, điêu hồng 40 - 42 ngàn đồng/kg, rô đồng từ 35 - 36 ngàn đồng/kg…
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, nghề chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh ở một số huyện và trở thành nghề làm giàu cho một bộ phận người dân ngoại thành Hà Nội. Tổng đàn bò sữa của toàn thành phố hiện có 10.868 con với sản lượng sữa đạt 92,6 tấn/ngày.
Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra để chế biến xuất khẩu tại ĐBSCL có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. Các doanh nghiệp cho rằng giá cá tra tăng, một phần là do nguồn cá đang dần khan hiếm do nhiều người nuôi tại khu vực này đã “treo ao”.