Lợi Nhuận Kép

Nông dân xã Long Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh) khấm khá hơn nhờ mô hình trồng 1 vụ lúa + nuôi 1 vụ thủy sản (tôm sú, cua biển, tép bạc đất), lợi nhuận khoảng 70 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Văn Trường, ấp 2, xã Long Hòa cho biết: Lúa trồng ở đây đảm bảo sạch 100%, không dư lượng thuốc BVTV. Lúa bị sâu, rầy bà con xả nước vào ngập đọt ngâm khoảng 12 giờ rồi xả nước ra không con nào sống nổi. Các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao được trồng trên đất nuôi thủy sản.
Phong trào trồng lúa trên đất nuôi thủy sản nước lợ ở Long Hòa phát triển từ năm 2000 đến nay. Cứ đến mùa nước ngọt về bà con lại tranh thủ làm 1 vụ lúa, sau đó nuôi 1 vụ thủy sản. Trồng lúa vừa có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha vừa để xử lý môi trường trên đất nuôi tôm. Bà con ở đây cho biết, trồng lúa trên nền đất nuôi tôm chi phí thấp, chỉ khoảng một nửa so với làm lúa chuyên canh.
Theo kinh nghiệm của nông dân ở đây, lúc nào trong ô bao nước cũng phải giữ ngập chân lúa từ 2 - 3 tấc để cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên như tép bạc đất, cua biển, cá... sinh sôi phát triển. Năng suất lúa trồng trên đất nuôi thủy sản đạt khoảng 6 tấn/ha. Thu hoạch lúa xong, bà con tiến hành vệ sinh ô bao chờ nước mặn về để thả tôm sú, cua biển. Mô hình 1 vụ lúa + 1 vụ thủy sản nước lợ mang lại nguồn thu nhập rất ổn định cho bà con nơi đây.
Gia đình ông Trường có 2 ha ruộng nuôi thủy sản nước lợ, cứ đến mùa nước ngọt về lại tranh thủ xuống giống 1 ha lúa giống ST5 và nuôi cá, tép, cua tự nhiên. “Trồng lúa ST5 lãi cao lắm. Thu hoạch 6 tấn, trữ lại 1 tấn, bán 5 tấn thu lãi hơn 30 triệu đồng. Thu hoạch lúa xong, làm vệ sinh ô ao chờ nước mặn về thả tôm sú, cua biển nuôi quảng canh cải tiến”, ông Trường cho biết.
Ông Trần Văn Khiêm, ấp Bùng Binh, xã Long Hòa cho biết: “Trồng lúa không sử dụng thuốc BVTV, khi thu hoạch trữ gạo để ăn đến mùa giáp hạt năm sau. Nông dân Long Hòa hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV”.
Ông Nguyễn Văn Tình, cùng ấp Bùng Binh canh tác 8 ha đất trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản nước lợ, chia sẻ: “Mô hình trồng lúa, nuôi thủy phát triển rất bền vững hơn 10 năm qua. Tôi làm 4 ha lúa, đến cuối tháng 11/2014 là thu hoạch. Tổng lợi nhuận thu về từ cây lúa và nuôi thủy sản được hơn 300 triệu đồng/năm".
Còn ông Lê Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết: "Toàn xã Long Hòa có 1.700 ha đất SX nông nghiệp và nuôi thủy sản. Long Hòa nằm ngay cửa sông Cổ Chiên. Hằng năm, vùng đất này phải chịu ảnh hưởng khoảng 8 tháng mặn bao vây. Tuy nhiên, từ khi phát triển được mô hình trồng lúa, nuôi thủy sản nước lợ thì đời sống nông dân đỡ hơn".
Thông thường, cuối tháng 11/2014 là bà con nơi đây bước vào thu hoạch lúa, năng suất năm nay ước đạt 5,2 - 5,3 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt trên 6 tấn/ha. Tính ra trồng lúa trên đất nuôi tôm quảng canh cải tiến thu lãi bình quân từ 30 triệu đồng/ha, cao hơn lúa chuyên canh khoảng 10 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, cây lúa trồng trên đất nuôi giúp cải tạo môi trường để nuôi thủy sản rất tốt, hạn chế tối đa dịch bệnh. Lợi nhuận từ trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ đạt trên 100 triệu đồng/ha. Đây là mô hình mang lại lợi nhuận kép cho nông dân.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/loi-nhuan-kep-post135187.html
Có thể bạn quan tâm

Lào Cai có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển thuỷ sản như số lượng ao, hồ nhiều với tổng diện tích mặt nước khoảng 1.500 ha; các hồ chứa có nguồn nước dồi dào phù hợp với điều kiện sinh sống của nhiều loài cá nuôi, nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Nghề nuôi cá lồng mặc dù quy mô nhỏ nhưng đã sớm hình thành.

Từ năm 2012 đến nay, mô hình nuôi ốc hương kết hợp với tu hài đã được ngành chức năng chuyển giao cho nhiều hộ dân ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Mô hình này đã mang lại hiệu quả kép về kinh tế lẫn môi trường nên đang được khuyến khích nhân rộng tại các vùng ven biển của tỉnh.

Cá lóc đồng 4,2 kg vừa được anh Nguyễn Văn Vũ (ấp Long Thành, xã Long Điền B, Chợ Mới - An Giang) bắt được tại con kênh trước nhà nối vào rạch Ông Chưởng.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.

Nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng tại các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, hiện giá trứng gà bán ra tại trại chỉ còn 18-19 ngàn đồng/chục, giảm 2-3 ngàn đồng/chục so với cuối tháng 8-2013. Giá trứng gà giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm lại so với gần 2 tuần trước. Năm nay, nhu cầu mua trứng để làm bánh trung thu không nhiều, nên giá trứng ít biến động.