Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Canh tác tốt mô hình lúa - tôm

Canh tác tốt mô hình lúa - tôm
Ngày đăng: 07/10/2015

Mô hình lúa - tôm ở Sóc Trăng.

Năm nay, người nuôi tôm gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, những cơn mưa lớn trái mùa thường xảy ra, kết hợp với nắng nóng kéo dài làm cho môi trường nuôi biến động mạnh, gây thiệt hại nhiều diện tích nuôi tôm trong vùng.

Khi môi trường ổn định trở lại, nông dân khắc phục thả nuôi tiếp, nhiều hộ vẫn đạt năng suất cao.

Tuy nhiên, chính vì con tôm mang lại lợi nhuận cao nên nông dân thường thả nuôi nối tiếp nhiều vụ trong năm, không tuân thủ lịch thời vụ. Việc làm này đã mang đến hệ lụy là đất bị nhiễm mặn, không thể trồng lúa được.

Do đó các nhà khoa học khuyến cáo, nông dân không nên chạy theo con tôm mà phải tuân thủ lịch thời vụ. Sau vụ tôm cần phải tập trung rửa mặn triệt để, cấy lại vụ lúa.

Cây lúa sẽ hấp thụ các chất hữu cơ tồn dư từ vụ tôm, có tác dụng làm sạch môi trường.

Ngược lại, sau vụ lúa, gốc rạ còn lại sẽ là nguồn dinh dưỡng cho các sinh vật phù du phát triển, tạo thức ăn cho tôm.

Mô hình tôm - lúa được các nhà khoa học đánh giá là bền vững đối với môi trường vùng nuôi tôm nước lợ.

Thực tế qua nhiều năm chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang mô hình tôm lúa, đời sống kinh tế người dân trong tỉnh Sóc Trăng được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là huyện Mỹ Xuyên với diện tích khoảng 11.000 ha trên diện tích 18.000 ha nuôi tôm nước lợ.

Tuy nhiên đối với vùng nuôi tôm theo quy trình luân canh tôm – lúa thì con tôm vẫn đóng vai trò chủ đạo, bởi lợi nhuận từ nuôi tôm cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa, do đó nông dân thường có tâm lý canh tác lúa chỉ để cách vụ và ổn định môi trường cho vụ tôm kế tiếp, chưa có sự quan tâm đúng mức đến các khâu canh tác.

Hiện nay canh tác lúa trên nền vuông tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu đòi hỏi nông dân phải thận trọng từng khâu, từ gieo sạ, quản lý dịch hại và thu hoạch mới có kết quả tốt hơn và không ảnh hưởng đến tôm nuôi vụ sau.

Năm nay, theo lịch xuống giống của Ngành nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên, khuyến cáo nông dân gieo sạ giống ST5 từ ngày 17/9 – 2/10 dương lịch và từ 13/10 – 27/10 dương lịch đối với các giống lúa cao sản ngắn ngày như OM 4900, OM 6976, OM 7347, OM 5451, 1 bụi đỏ…

Đầu vụ lúa năm nay được đánh giá thời tiết khá thuận lợi, bà con tranh thủ những cơn mưa để tháo mặn rửa phèn cho đất, đồng thời tuân thủ theo lịch xuống giống của Ngành nông nghiệp khuyến cáo.

Để mô hình tôm lúa bền vững, các nhà khoa học khuyến cáo đối với đất nuôi tôm quảng canh chuyển qua trồng lúa, sau khi rửa phèn cần rút nước cạn, phơi đất khoảng 10 ngày để đất nứt chân chim, tăng hàm lượng Oxy trong đất và phân hủy chất hữu cơ nhanh hơn.

Bón lót vôi từ 200 – 300 kg/ha để tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa, bà con nên dành ra một phần diện tích để làm đường mương nước quanh ruộng, tuy nhiên phần lớn nông dân chưa thực hiện tốt điều này.

Kỹ sư Trần Thanh Bạch – Trưởng Trạm BVTV huyện Mỹ Xuyên khuyến cáo thêm:

“Để chuẩn bị cho vụ mùa trên nền tôm – lúa đạt kết quả tốt, sau khi thu hoạch tôm bà con nên rửa mặn khoảng 3 tuần sau đó vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ bờ và làm đất cho bằng phẳng, đánh rãnh để rửa phèn và bón lót phân lân từ 200 đến 300kg/ha để cải tạo phèn.

Bà con nên sạ từ 80 đến 120kg giống/ha và nên sử dụng lúa giống cấp xác nhận.”

Mô hình tôm - lúa ở huyện Mỹ Xuyên mang tính bền vững và hiệu quả

Trong vụ lúa mùa 1 vụ/tôm – lúa 2015 – 2016, huyện Mỹ Xuyên kết hợp triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa đặc sản an toàn và hiệu quả trên vùng tôm – lúa tại xã Hòa Tú 1, thuộc đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản đến năm 2015, theo đó nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ giống và kỹ thuật nhằm giảm phân bón, thuốc hóa học, sử dụng công nghệ sinh thái, từng bước sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Kỹ sư Trần Thanh Bạch – Trưởng trạm BVTV huyện Mỹ Xuyên cho biết:

“Vụ mùa năm nay huyện Mỹ Xuyên sản xuất thí điểm lúa theo hướng nông nghiệp hữu cơ với diện tích 40 ha ở xã Hòa Tú 1.

Mô hình này có lợi ích là giảm được lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân hóa học, cải tạo được môi trường đất.”

Năng suất vụ lúa năm 2014 – 2015 khoảng 5,5 tấn/ha lúa khô, mục tiêu đặt ra năm nay năng suất phải đạt cao hơn, giảm giá thành tăng lợi nhuận cho nhà nông.

Để đạt được mục tiêu này, nông dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật cũng như lịch thời vụ theo khuyến cáo.

Về lâu dài tỉnh sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu các giống có khả năng chịu mặn, năng suất cao để đưa vào sản xuất, hướng tới xây dựng thương hiệu lúa gạo đặc sản cung cấp cho thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Giá Nhiều Loại Trái Cây Giảm Mạnh Giá Nhiều Loại Trái Cây Giảm Mạnh

Ngoài ra, giá các loại trái cây, như: thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, bưởi, cam, mít giá cũng giảm nhẹ. Theo các thương lái, giá các loại trái cây giảm là do nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, còn do năm nay một số loại trái cây, như: chôm chôm, thanh long, bơ khó xuất bán qua Trung Quốc.

23/08/2014
Xuất Khẩu Sang Mỹ Vững Luật Thì Không Thiệt Xuất Khẩu Sang Mỹ Vững Luật Thì Không Thiệt

Đây là một trong những khuyến nghị cụ thể cho lãnh đạo nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam dự hội thảo “Nhận diện rủi ro xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa kỳ, EU và phương thức bảo vệ cho nhà lãnh đạo, doanh nghiệp”, ngày 21/8, tại TPHCM.

23/08/2014
Hiện Tượng Ngao Chết Tiếp Tục Lan Rộng Ở Tiền Hải (Thái Bình) Hiện Tượng Ngao Chết Tiếp Tục Lan Rộng Ở Tiền Hải (Thái Bình)

Từ những ngày đầu tháng 8, hàng trăm héc ta ngao ở hai xã Ðông Minh, Nam Thịnh (Tiền Hải - Thái Bình) chết trắng. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả thì những ngày gần đây, ngao chết tiếp tục lan ra trên diện rộng ở tất cả các xã có diện tích nuôi ngao trong huyện.

23/08/2014
Được Mùa, Chưa Được Giá Được Mùa, Chưa Được Giá

Cho đến thời điểm này, sản lượng khai thác hải sản 8 tháng đầu năm được 125.912 tấn, đạt 67,35% kế hoạch năm và tăng 101,5% so cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá từ Chi cục Thủy sản, những tháng đầu năm do thời tiết và ngư trường không thuận lợi, gió bấc thổi mạnh nên hoạt động khai thác theo đó gặp không ít khó khăn, hầu như tàu thuyền ít hoạt động trên biển.

04/09/2014
Vượt Khó Làm Giàu Nhờ Khai Thác Hải Sản Vùng Biển Xa Vượt Khó Làm Giàu Nhờ Khai Thác Hải Sản Vùng Biển Xa

Từ một người làm thuê trở thành chủ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Đãi (SN 1958), phường Mũi Né, TP Phan Thiết không chỉ tham gia đánh bắt hải sản xa bờ mà còn trao đổi những kinh nghiệm về kỹ năng vượt sóng gió và cách phát hiện luồng cá cho ngư dân.

04/09/2014