Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi Cá Trê Vàng Lai

Mô hình nuôi cá trê vàng lai phát triển gần 2 năm ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã giúp không ít hộ dân thoát nghèo và làm giàu. Mô hình này hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân trong huyện. Toàn xã Tân Phú có 6 hộ nuôi với diện tích gần 10.000m2, tập trung nhiều ở ấp Tân Thuận B và ấp Tân Thuận.
Cá trê vàng lai là loài cá rất dễ nuôi và nuôi được trong cả môi trường ao hầm. Thời gian thả nuôi, bắt đầu từ đầu vụ để đến kỳ thu hoạch vào tháng 6, 7, 8 âm lịch. Ông Nguyễn Chí Công ở ấp Tân Thuận B, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình là một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá trê vàng lai thành công.
Sau thời gian tìm tòi học hỏi, năm 2011, ông mạnh dạn đầu tư thả nuôi 6.000 cá giống trên diện tích 1.000m2. Trê vàng lai là loài cá dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, ăn tạp và có thể tận dụng được nhiều loại thức ăn như: cá tạp, rau, bèo, tấm cám. Sau 3 tháng nuôi, ông thu hoạch được 1 tấn cá thịt, bán với giá 23.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, ông còn lời hơn 15 triệu đồng.
Thấy nuôi cá trê vàng lai có triển vọng, đạt kết quả, vụ kế tiếp, ông quyết định tăng số lượng, thả nuôi 100kg. Do nắm được kỹ thuật nên chỉ gần 3 tháng nuôi bằng thức ăn tự chế, cá lớn rất nhanh. Bình quân, mỗi con đạt trọng lượng khoảng 250gram, ông thu hoạch trên 4 tấn, lời hơn 20 triệu đồng.
Hiện tại, ông thả nuôi 200kg cá giống, dự kiến tới tháng 7 âm lịch thu hoạch khoảng 6 tấn cá, có khả năng lời trên 30 triệu đồng. Ông Công cho biết: "Cá trê vàng lai rất dễ nuôi, ít hao hụt, không kén chọn môi trường nước. Tuy nhiên, cần rào chắn cẩn thận bằng lưới đề phòng cá đi ra trong khi mưa nhiều. Bên cạnh đó, trong thức ăn cho cá cũng cần bổ sung thêm men tiêu hóa, Vitamin C nhằm tăng sức đề kháng và giúp cho cá hấp thu lượng thức ăn tốt hơn".
Tương tự, ông Trần Văn Hiền (người cùng xóm) cũng khởi nghiệp từ mô hình này. Tháng 7/2012, ông thả nuôi thử 40kg cá giống trên diện tích 1.000m2. Chỉ trong 3 tháng nuôi, ông thu hoạch được 1,7 tấn, bán với giá 25.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 16 triệu đồng. Mới đây, ông thu hoạch xong vụ cá khoảng 1.400kg với giá 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông lời hơn 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: "Nuôi cá trê vàng lai là mô hình mới, nhiều hộ nông dân vẫn còn xa lạ với việc phát triển loài thủy sản này. Sắp tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này trong nhân dân, nhất là đối với hội viên Hội nông dân, nhằm góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo".
Tuy nhiên, khó hiện nay của người dân là kỹ thuật. Để giúp người dân phát triển mở rộng, thị trường phải được dự đoán, dự báo chính xác hơn để không bị "ế hàng dội chợ".
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, hầu hết các loài cá có giá trị cao trong vùng đặc quyền kinh tế của việt nam đã bị khai thác quá mức, nhưng riêng loài cá ngừ đại dương lại vẫn còn tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa biết tận dụng tiềm năng này. Để cá ngừ đại dương thực sự “bơi” xa hơn nữa, chúng ta cần thay đổi cách làm truyền thống từ trước tới nay.

Khu vực các cửa sông thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là nơi sinh sản của nhiều loại thủy sản có giá trị cao như cua biển và cá kèo. Tuy nhiên, do nạn khai thác quá mức nguồn giống tự nhiên, khiến nguồn lợi thủy sản tại đây đang có nguy cơ cạn kiệt.

Theo ngành Nông nghiệp, hiện nay, ngoài các đối tượng nuôi như tôm, cua, cá kèo… người dân cũng có thể nuôi Artermia trên đồng muối. Ở nhiều địa phương, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gần 1 năm sau khi thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, DN thủy sản đồng tình với quyết tâm của Chính phủ về việc tái cấu trúc ngành cá tra theo hướng phát triển bền vững, tăng giá trị.

Vài tháng trở lại đây ở các vùng quê Nghệ An rộ lên cơn sốt đi bắt cua đồng.