Reports / Mô hình kinh tế

Vựa Lúa Arooi

Publish date: Saturday. March 15th, 2014

Nằm lọt thỏm giữa thung lũng Ahúch (Tây Giang), nổi bật lên một màu xanh mơn mởn của những ngọn lúa non - cái cây mà người dân nơi đây gọi là “cây no đủ”.

Đối với người dân vùng cao, để có đủ cái ăn sau mỗi mùa giáp hạt đã là khó huống chi còn của ăn của để. Vậy nhưng, người dân thôn Arooi, xã Ga Ry (Tây Giang) nay đã làm được điều đó. “Toàn xã có hơn 100ha lúa nước, nhưng có nơi này nơi kia, lúc được mùa, lúc không, bởi ở đây không chủ động được nguồn nước tưới.

Riêng thôn Arooi được thiên nhiên ưu đãi nên luôn được mùa, bà con ở đây phấn khởi lắm, chăm chỉ trồng lúa để ngày mùa thêm sung túc…” - ông Alăng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho biết.

Chúng tôi đến gươl thôn Arooi khi các già làng đang họp mặt chuyện trò. Hỏi đến việc trồng cây lúa nước của thôn, già Alăng Nhắp hồ hởi khoe: “Nhờ nó (cây lúa nước - PV) cả đấy. Có nó bà con mình mới có cái ăn, có cái để dành cho ngày tết mùa, mừng lúa mới.

Không chỉ đủ ăn, thôn mình gần như nhà nào cũng có bồ thóc dự trữ phòng khi ông trời không thuận tiện” - vừa nói già Nhắp vừa rót chén rượu trắng đục thơm nức mời khách. Như để khoe thành quả của dân bản, già bảo: “Rượu này cũng được ủ từ hạt thóc mình làm ra đấy.

Ở Arooi nhà nào cũng trồng lúa nước. Không biết xuất phát từ đâu, cũng chẳng biết cây lúa nước đã tồn tại với bản làng bao lâu, chỉ biết rằng nhờ có nó mà dân bản chưa bao giờ bị đói. Dân bản gọi nó là “cây no đủ””.

Trưa, cái nắng hanh hao hắt ra từ vách núi làm nổi bật màu xanh mơn mởn của từng mảng mạ non phủ cả thung lũng, tạo nên một cảnh đẹp nức lòng khiến chúng tôi phải dừng chân, trầm trồ. Cầm bó mạ non trên tay, chị Alăng Thị Nhưi cười tươi: “Ở đây ai cũng làm lúa. Nó cho hạt thóc để nấu cơm, không lo bị đói.

Bộ đội dặn rồi, phải chăm làm lúa nước, có khó khăn thì bộ đội và xã sẽ giúp cho, chứ tuyệt đối không được phá rừng làm rẫy nữa. Ở đây ai cũng nghe bộ đội, không làm rẫy, phá rừng. Trồng lúa nhiều gạo hơn”. Tư tưởng ấy đã thấm sâu vào những người dân ở đây.

Tay thoăn thoắt chẻ từng sợi lạt bó mạ, anh Ríah Niêm cười nói: “Từ nhỏ đã được ở trên lưng mẹ cùng đi trồng cây lúa rồi. Lớn lên cũng nhờ vào nó mà có cái ăn cái để. Mùa nào được thì để dành lại một ít, thành kho thóc dự trữ nên không sợ thiếu đói. Chứ trồng cây bắp, cây sắn trên rẫy hay bị con chim, con heo rừng phá lắm, có năm mất trắng”.

Đã qua nhiều vùng cao Quảng Nam, chúng tôi hiếm thấy có vùng nào lượng thóc mỗi mùa thu được nhiều như ở Arooi. Ở nơi khác, đa số chỉ đủ lo thóc ăn trong ít tháng và giống cho vụ mùa mới, còn lại phải mua gạo từ dưới đồng bằng hoặc Nhà nước hỗ trợ. “Ở Arooi thì không.

Ngay cả gạo bộ đội ở đồn ăn cũng mua từ người dân Arooi. Thấy bà con có nhu cầu xay xát gạo, đồn đã lắp đặt một máy xay xát để phục vụ.

Mỗi ang thóc chỉ lấy một lon gạo và ít cám gọi là tiền công. Có mùa, bà con đưa đến xay xát gần 7 tấn gạo, phải xay nhiều ngày mới xong” - Thiếu tá Phạm Văn Thí, Trưởng đồn Biên phòng 651 Ga Ry nói.

Người dân thôn Arooi giỏi làm lúa nước đã và đang trở thành hình mẫu để đồng bào các thôn khác noi theo. Như gia đình già Alăng Pơn có 10 sào ruộng, mỗi mùa thu được hơn 200 ang. Già Pơn chia sẻ: “Làm lúa nước cũng không khó, chỉ biết dâng nước thế nào cho vừa phải, không ngập quá sâu nhưng cũng không quá khô khiến lúa bị héo úa.

Làm lúa ở vùng cao quan trọng nhất là nguồn nước. Phải dẫn được nước từ núi về ruộng. Rồi phải đào hồ để dự trữ nước cho cả thung lũng, phòng khi trời khô hạn có nước mà tưới cho cây lúa”.

Về làm Phó Chủ tịch UBND xã Ga Ry theo Đề án 600 của Chính phủ, ông Tangôl Thiếu cho biết: “Ga Ry có hơn 100ha lúa nước thì có đến 50ha ở 3 thôn Arooi, Ating và Glao, trong đó Arooi làm được nhất. Thấy người dân được mùa, có thóc dư, gạo để dành bán chúng tôi mừng lắm. Xã rất khuyến khích người dân học theo mô hình này để có thể cải thiện được kinh tế của gia đình”.

Cũng theo ông Thiếu, tuy khuyến khích người dân làm lúa nước, nhưng không phải cứ làm tràn lan để rồi không đạt hiệu quả. “Tùy theo điều kiện địa lý để làm vì không phải ở đâu cũng có thể chủ động nước tưới cho lúa. Nếu có điều kiện thuận lợi thì trồng lúa nước rất tốt. Vừa có cái ăn, không lo thiếu đói lại bớt được cảnh phá rừng làm rẫy” - ông Thiếu nói thêm.


Related news