Reports / Mô hình kinh tế

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật

Publish date: Tuesday. May 5th, 2015

Thời gian gần đây, Phòng Cấy mô của Trung tâm Thông tin & Ứng dụng KHCN thường xuyên hoạt động hết công suất vì liên tục nhận đặt hàng nhân giống một số cây trồng từ người dân địa phương. Thêm vào đó còn tích cực triển khai những đề tài, dự án liên quan nhằm tạo ra các giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu hanh khô ở Bình Thuận…

Được biết trước giờ, sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân chủ yếu áp dụng phương pháp nhân giống cây trồng truyền thống là bằng hạt, cắm hom, tách chồi, chiết ghép. Với cách làm này thường cho hệ số nhân giống không cao, chất lượng không đồng đều nên không đáp ứng kịp thời nhu cầu và ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ.

Từ đòi hỏi thực tế, dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật để phát triển một số loại cây nông nghiệp tỉnh Bình Thuận” lần đầu được triển khai trên địa bàn. Mục tiêu dự án không ngoài mục đích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nhân nhanh các giống cây trồng phù hợp điều kiện địa phương như thanh long, nho, xoan chịu hạn (cây neem) và một vài giống hoa.

Đây là tiền đề cho địa phương và ngành khoa học công nghệ hình thành phòng nuôi cấy mô thực vật, cung cấp giống cây trồng có thể khắc phục những nhược điểm của các phương pháp nhân giống truyền thống.

Ứng dụng nuôi cấy mô thực vật chỉ từ một phần lá hoặc thân của cây trồng mà lại cùng lúc cho ra đến hàng trăm cây giống. Tuy nhiên tìm hiểu mới biết, để có kết quả đó cần phải trải qua nhiều khâu phức tạp: Khử trùng mẫu - đưa vào môi trường nuôi cấy, tạo cụm chồi - nhân tiếp cụm chồi, tách ra cho rễ mọc thành cây. Bước đầu, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng KHCN Bình Thuận đã thực hiện thành công nuôi cấy mô thực vật trên cây thanh long, xoan chịu hạn, một số loài lan, hoa dạ yên thảo…

Cách đây chưa lâu, đơn vị tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại tỉnh Bình Thuận”. Hiện giống chuối này nhanh chóng thích nghi và sinh trưởng tốt trên vùng đất đồi ở xã vùng cao La Dạ (Hàm Thuận Bắc), dự kiến trong năm nay sẽ tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Trung tâm Thông tin & Ứng dụng KHCN còn chủ trì thực hiện mô hình “Trồng hoa cúc cấy mô phù hợp điều kiện tự nhiên tại xã Phong Nẫm - TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận”. Mô hình vừa kết thúc trong tháng 4/2015 nhưng lại mở ra cơ hội trồng hoa cúc đại đóa từ giống Đà Lạt ngay tại địa phương, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so giống cúc bản địa.

Qua xúc tiến hoạt động khoa học công nghệ đưa các giống cây trồng cấy mô về canh tác tại một số địa bàn, nhiều hộ dân đã chủ động liên hệ với Trung tâm Thông tin & Ứng dụng KHCN Bình Thuận để đặt hàng. Điều này cho thấy, nông dân trong tỉnh ý thức việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, mà cụ thể là sử dụng cây giống cấy mô sẽ đảm bảo đem lại lợi nhuận cao, phù hợp xu hướng phát triển hiện nay…


Related news