Reports / Mô hình kinh tế

Trồng Mía Trên Bờ Vuông Tôm: Làm Chơi Ăn Thật

Publish date: Sunday. March 25th, 2012

Thời gian gần đây, bên cạnh tận dụng đất trống quanh nhà, nông dân ở Trí Phải còn chủ động trồng thêm cây mía trên bờ vuông, mục đích ban đầu chỉ là để có ăn hằng ngày. Tuy nhiên, từ khi giá mía nguyên liệu tăng cao, diện tích mía ở xã Trí Phải cũng tăng theo. Cây mía đã tạo ra một sức hấp dẫn lớn đối với nông dân, kể cả người nuôi tôm.

Nhận thấy phải tốn nhiều chi phí cho việc làm cỏ bờ vuông tôm, ông Nguyễn Khải Hoàng (ấp 6, xã Trí Phải) đem cây mía trồng thử nghiệm trên bờ vuông tôm. Kết quả ngoài mong đợi, với khoảng 2.000m2 đất bờ vuông, ông thu hoạch được 30 triệu đồng từ bán mía. Ông Hoàng cho biết: "Mỗi năm, thu nhập từ 2ha đất nuôi tôm của gia đình chỉ khoảng 60 triệu đồng, trong khi đó trồng mía trên bờ vuông cho thu nhập trên 30 triệu đồng/vụ. Như vậy, so với độc canh con tôm, hoặc trồng lúa trên đất nuôi tôm thì cây mía mang lại thu nhập đáng kể".

Ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Phải, cho biết, giống mía ROC 16 phát triển rất tốt trên đất bờ vuông tôm. Do đó, ngày càng có nhiều hộ dân trong xã tận dụng bờ vuông tôm trồng mía. Đơn cử như hộ ông Trần Thanh Nam (ấp 6) vụ mùa năm 2011 trồng thử nghiệm mía trên nửa công đất bờ vuông tôm, đến cuối năm ông thu hoạch bán được 8 triệu đồng. Ông Nam dự tính năm nay sẽ trồng mía và bí rợ trên tất cả diện tích đất bờ vuông của mình. Ông chia sẻ: "Tiếc là từ đó giờ tôi đã bỏ đất hoang, nếu tôi biết cây mía thích hợp với đất bờ vuông thì tôi đã trồng từ lâu rồi".

Cà Mau là tỉnh có diện tích đất nuôi tôm lớn nhất nước. Diện tích đất bờ vuông tôm bỏ trống cũng rất nhiều. Đây thực sự là một tiềm năng lớn cho phát triển diện tích hoa màu cũng như cây mía, tạo việc làm cũng như tăng thu nhập cho nông dân. Mô hình trồng mía trên bờ vuông tôm của nông dân xã Trí Phải đã tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía của tỉnh lên 4.000ha vào năm 2015.


Related news