Reports / Mô hình kinh tế

Triển vọng từ mô hình nuôi rạm

Author: Ks. Nguyễn An Bình
Publish date: Friday. May 20th, 2022

Một trong những địa phương làm tốt phong trào áp dụng khoa học kỹ thuật và các đối tượng nuôi mới vào thực tiễn sản xuất là Hợp tác xã chăn nuôi Đông Xuyên – huyện Tiền Hải.

Điển hình trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình và chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang nuôi gia cầm và thủy sản là anh Phan Văn Quang thôn Quý Đức – xã Đông Xuyên.

Gia đình anh có 2.000 m2 vườn tạp, cuối năm 2017 anh đã chuyển đổi 150 m2 xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm và 200 m2 đào ao nuôi trồng thủy sản. Sau hai năm nuôi cá truyền thống, do hạn chế trong việc thay nước cá chậm lớn hiệu quả kinh tế thấp.

Nhận thấy thị trường của con rạm thương phẩm rất lớn và nguồn con giống sẵn có ở địa phương. Năm 2020, anh Quang đã cải tạo ao nuôi cá để thích hợp cho nuôi rạm. Anh sử dụng gạch men rẻ tiền cắm quanh ao để tránh thất thoát và trồng bè rau muống quanh bờ ao làm chỗ trú ẩn cho rạm.

Tháng 7/2020, anh thả 135 kg giống (cỡ 450 – 500con/kg) thức ăn cho rạm là cá tạp băm nhỏ, hàng ngày cho ăn 2 lần vào 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. Sau 3 tháng nuôi thu được 327 kg rạm thương phẩm (cỡ 140con/kg) giá bán 150.000đồng/kg, tỷ lệ sống 65,4%. Tổng doanh thu 49 triệu, trừ chi phí đầu tư 30.050.000 đồng, còn lãi 19 triệu đồng.

Anh Quang cho biết, nuôi con rạm thời gian ngắn, rủi ro thấp, nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, công chăm sóc ít. Do vậy, anh sẽ mở rộng diện tích nuôi trong các năm tiếp theo.

Hiện nay, nhu cầu thị trường tiêu thụ rạm rất lớn, trong khi đó nguồn rạm thương phẩm chủ yếu thu từ tự nhiên; các mô hình nuôi rạm chưa nhiều. Con rạm là đối tượng dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao so với đối tượng nuôi khác trên cùng diện tích mặt nước là hướng phát triển mới cho nghề nuôi thủy sản tỉnh nhà.


Related news