Reports / Mô hình kinh tế

Tôm thẻ chết hàng loạt

Publish date: Wednesday. June 10th, 2015

Tôm chết hàng loạt

Ông Trần Văn Gần (thôn Tuần Lễ) cho biết, gia đình ông có đìa tôm với diện tích 3.200m2; mỗi vụ nuôi, trừ chi phí cũng lãi được 700 đến 800 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, gia đình ông thả nuôi 2 lần đều thất bại. “Tôm thả được từ 10 đến 13 ngày thì chết nổi trắng đìa, nhìn mà đau lòng nhưng không thể làm được gì. Tổng cộng 2 lần thả, gia đình tôi lỗ gần 150 triệu đồng. Số tiền đi vay ngân hàng, trả lãi hàng tháng đang khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn” - ông Gần buồn rầu nói.

Cách đó không xa, ông Phạm Ngã đang xả nước để phơi đìa, chuẩn bị cho vụ nuôi sắp tới. Gia đình ông Ngã có 2 đìa nuôi, mỗi lần thả khoảng 80 vạn con tôm giống. Ông tâm sự: “Tuy đã chăm sóc và đầu tư rất nhiều công sức cũng như tiền của vào con tôm, nhưng kết quả không khả quan.

Đến nay, gia đình tôi lỗ khoảng 400 triệu đồng. Ở đây, 10 nhà nuôi thì có tới 8 nhà thất bại. Những hộ còn lại may mắn thì hòa vốn, hầu như không có lời”. Ông Trần Quang Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết, toàn xã có 42ha tôm thẻ chân trắng được nuôi trên bạt. Đến thời điểm này, địa phương mới chỉ thả nuôi khoảng 70% diện tích. Số hộ thả nuôi từ đầu năm đến nay hầu như đều bị thua lỗ do tôm chết sớm. Một vài gia đình nuôi với số lượng lớn đã lỗ gần 3 tỷ đồng...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt diễn ra ở hầu hết các xã có truyền thống nuôi tôm như: Vạn Thọ, Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Vạn Hưng... Ông Đặng Tri Thông - cán bộ Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, toàn huyện có khoảng 550ha diện tích nuôi tôm thẻ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, người nuôi tôm mới chỉ thả nuôi được khoảng 150ha. Do tôm chết nên người dân lo ngại, e dè trong việc thả nuôi.

Chưa rõ nguyên nhân

Mặc dù đã có 2 đợt tôm chết hàng loạt nhưng nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Những người có nhiều năm nuôi tôm thẻ trên địa bàn khá bối rối trước thực trạng này. Đa số cho rằng, do tôm giống nhập từ tỉnh Bình Thuận về không được khỏe mạnh. Ông Gần nhận định: “Mới đầu thả nuôi, tôm phát triển bình thường, nhưng tới ngày thứ 10 hoặc 13 là tôm chết trắng ao. Có thể do nhu cầu thả nuôi ngày một tăng cao khiến cho lượng tôm bố mẹ sản xuất quá nhiều, dẫn đến tôm con bị yếu mà sinh bệnh rồi chết”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài khiến cho tôm không có môi trường phát triển tốt nhất dẫn đến bị bệnh gan và chết.

Một nghịch lý đang diễn ra ở hầu hết các vùng nuôi tôm thẻ trên địa bàn huyện Vạn Ninh là tuy tôm chết nhiều, nhưng người nuôi không báo cáo với cơ quan chức năng để tìm hướng khắc phục. “Người dân địa phương cứ thấy tôm chết là xả nước để phơi đìa mà không báo cho chúng tôi biết. Vì vậy, việc xác định nguyên nhân cũng như tìm hướng giải quyết gặp nhiều khó khăn” - ông Trần Quang Khánh nói.

Nhiều gia đình nuôi tôm thẻ đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, họ vẫn quả quyết sẽ tiếp tục thả nuôi tôm thẻ với hy vọng thành công để trang trải nợ nần cũng như ổn định đời sống. Tôm thẻ nhiều năm nay mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi trên địa bàn huyện Vạn Ninh giúp không ít người “đổi đời”. Tuy nhiên, với thực trạng đáng báo động về tình hình tôm chết như hiện nay, hy vọng thời gian tới, các cơ quan chức năng của địa phương sớm tìm ra nguyên nhân giúp nông dân khắc phục.


Related news