Reports / Mô hình kinh tế

Sơn La Dự Trữ Thức Ăn, Phòng Chống Rét Cho Gia Súc

Publish date: Friday. November 14th, 2014

Những tháng cuối năm, trên địa bàn tỉnh ta, nhất là các huyện vùng cao thường có gió lạnh, sương mù kèm nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn vật nuôi, giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không được chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống đói rét tốt sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

Trước diễn biến thời tiết biến động khó lường, nguy cơ tái phát các ổ dịch cũ và xuất hiện thêm dịch bệnh mới trên đàn gia súc là rất cao.

Trong khi đó, quy mô chăn nuôi của tỉnh ta còn nhỏ; đa số sử dụng con giống địa phương, chăn thả tự nhiên, chưa có ý thức cao trong phòng bệnh gia súc, chưa có nhiều cơ sở chế biến, bảo quản thức ăn cho đàn gia súc; số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật không nhiều; đa số là chuồng tạm, sơ sài, nhiều nơi vẫn duy trì thói quen thả rông... đây là những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ đàn gia súc.

Để khắc phục, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo công tác dự trữ thức ăn; xây dựng, sửa chữa, gia cố chuồng trại... bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở thực hiện công tác phòng chống đói, rét cho gia súc.

Cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn nông dân che chắn chuồng trại; kỹ thuật ủ cỏ chua; bổ sung thêm thức ăn tinh và các chất khoáng, đảm bảo sức đề kháng cho gia súc. Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc; gieo ngô dày, mở rộng diện tích trồng cỏ; chủ động thu gom, tận dụng rơm rạ, các loại cỏ, thân cây ngô, lạc, ngọn mía và các loại cỏ trồng, cỏ tự nhiên... để chế biến, làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc.

Các cơ quan chức năng có kế hoạch hướng dẫn các địa phương tổ chức vệ sinh môi trường chăn nuôi, xây dựng, nâng cấp chuồng trại; mở rộng mô hình doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia súc, khuyến khích chăn nuôi quy mô tập trung chất lượng cao; thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp dịch vụ... để nâng cao năng lực chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tuân thủ nghiêm túc các quy định vệ sinh phòng bệnh cho gia súc.v.v.

Tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại, song do tâm lý ỷ lại, thiếu các biện pháp chăm sóc, bảo vệ phù hợp, hằng năm số gia súc bị chết đói, chết rét vẫn còn. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin, dự báo, cập nhật tình hình thời tiết, dịch bệnh... giúp các địa phương và người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc.

Nguồn bài viết: http://www.baosonla.org.vn/News/?ID=9531&CatID=75


Related news