Reports / Mô hình kinh tế

Sâu Đục Thân Gây Hại Gần 1.000 Ha Mía

Publish date: Wednesday. October 1st, 2014

Hiện nay, trên cây mía xuất hiện tình trạng sâu đục thân, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Niên vụ 2014 - 2015, Tân Châu (Tây Ninh) có trên 6.800 ha mía. Theo Trạm bảo vệ thực vật huyện, diện tích cây mía bị sâu đục thân gây hại lên đến gần 1.000 ha, trong đó xã Tân Hưng có trên 240 ha, Tân Thành gần 200 ha, Suối Dây trên 160 ha… với tỷ lệ nhiễm từ 5 - 15%.

Trong thân mía, sâu đục thành hang ngách thông từ đốt này sang đốt khác và đùn phân ra ngoài, ảnh hưởng đến sự vận chuyển nhựa và làm mía dễ gãy ngang thân khi có gió mạnh. Khi cây mía gãy, trên thân mọc nhánh, hoặc chết khô đọt làm mía bị giảm năng suất khi thu hoạch.

Qua khảo sát thực địa tại các vùng mía trên địa bàn huyện cho thấy, các loại sâu gây hại chủ yếu gồm: sâu đục thân mình hồng, mình tím, sâu đục thân 4 vạch. Các giống mía bị nhiễm chủ yếu là LK92-11; K95-156, K2000-89...

Theo khuyến cáo của ngành Bảo vệ thực vật, khi thu hoạch mía bị nhiễm bệnh phải chặt sát gốc, sau đó phun thuốc trừ sâu trên mặt đất; không sử dụng mía bị nhiễm sâu làm giống; kiểm tra chặt bỏ cây, phần thân cây có sâu mang ra ngoài tiêu hủy; bóc lá mía nhằm hạn chế nơi ở của sâu; dùng máy áp lực cao phun thuốc hóa học vào bộ phận cây mía bị sâu, hạn chế tối đa việc để người đeo bình phun thuốc vào mía vì mía lớn nên không an toàn lao động; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm sâu tái nhiễm…


Related news