Reports / Mô hình kinh tế

Quảng Ninh Sản Xuất Giống Ốc Nhảy Da Vàng

Publish date: Thursday. July 24th, 2014

Nhận thấy ốc nhảy da vàng có giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao và là loại con giống nuôi trồng thuỷ sản chủ lực của nhiều hộ dân trong tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất (KHKT&SX) giống thuỷ sản Quảng Ninh đã thực hiện các đề tài nghiên cứu về đặc điểm sinh học và khả năng sản xuất giống loài nhuyễn thể này.

Tuy nhiên, phải đến khi Trung tâm tiếp tục triển khai đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy da vàng ở Quảng Ninh”, công trình này mới mở ra những hy vọng cho nghề nuôi loài ốc nhảy phát triển bền vững.

Theo báo cáo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, ốc nhảy da vàng (tên khoa học là Strobus Canarium) là loài sống ở vùng hạ triều có nhiều tảo, đáy thường là bùn cát ở độ sâu 10m. Loài nhuyễn thể chân bụng được mệnh danh là “vua” của các loài ốc này có hình tháp, vỏ trơn láng màu vàng, nắp vỏ hình lá liễu và mép có răng cưa.

Ở Quảng Ninh, ốc nhảy da vàng phân bố chủ yếu ở vùng biển huyện đảo Vân Đồn. Chính vì thế, nuôi ốc nhảy từ lâu đã trở thành một trong những nghề lao động chính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nơi đây.

Tuy nhiên, những năm qua, người dân chủ yếu thu gom con giống tự nhiên hoặc nhập về từ các tỉnh Nam Trung Bộ. Việc không chủ động được nguồn giống đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cũng như giá trị nuôi của loài này.

Trước thực trạng trên, Trung tâm KHKT&SX giống thuỷ sản đã triển khai đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy da vàng ở Quảng Ninh”.

Anh Bùi Hữu Sơn, chủ nhiệm đề tài cho biết: Năm 2007-2008, Trung tâm đã thực hiện đề tài cấp tỉnh nghiên cứu một số đặc điểm sinh trưởng, phát triển và khả năng sản xuất giống ốc nhảy để phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như nhân rộng mô hình nuôi trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Sau khi điều tra môi trường sống, phân tích hình thái cấu tạo, sản xuất giống và đưa vào nuôi thương phẩm trên bãi triều, kết quả ban đầu cho thấy, việc sinh sản nhân tạo giống ốc nhảy da vàng cơ bản đã thành công.

Tuy nhiên, đề tài vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như thức ăn cho ốc sinh sản chưa chủ động được, tỷ lệ sống của ấu trùng thấp; đồng thời chưa đánh giá được ảnh hưởng của mật độ đến tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống của ốc ương trong lồng lưới và nuôi thương phẩm trên bãi triều…

Từ kết quả và hạn chế này, Trung tâm đã tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm loài nhuyễn thể này.

Đề tài kéo dài trong vòng 2 năm (2014-2015), kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thực hiện các bước: Nuôi vỗ ốc bố mẹ, sản xuất ốc giống phục vụ nghiên cứu; nghiên cứu, kiểm nghiệm và hoàn thiện công nghệ sản xuất ốc giống, ương giống trong lồng lưới và nuôi ốc thương phẩm trên bãi triều. Đồng thời tập huấn cho cán bộ kỹ thuật và trại sản xuất giống trong tỉnh về quy trình ương, nuôi ốc nhảy da vàng…

Những tháng đầu năm nay, Trung tâm đã nhập 504 con ốc bố mẹ để tiến hành thí nghiệm bằng thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên. Song song với kiểm tra, nhân giống các loại tảo để chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho ốc bố mẹ, nhóm đã tiến hành kích thích ốc bố mẹ sinh sản bằng biện pháp nâng nhiệt cao hơn so với nhiệt độ nước nuôi là 3-5 độ C.

Sau một thời gian chăm sóc và theo dõi, ốc bố mẹ trong các lô thí nghiệm phát triển tốt và đồng đều; tỷ lệ sống cho ăn bằng thức ăn công nghiệp lẫn thức ăn tự nhiên đều đạt 99,6%. Ấu trùng phù du ương nuôi phát triển nhanh, dự kiến có khoảng 30 vạn ấu trùng chuẩn bị cho xuống đáy.

Để hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm, thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nuôi vỗ ốc bố mẹ cho sinh sản theo các thí nghiệm để kiểm chứng kết quả đã có; thí nghiệm ương nuôi giống bằng thức ăn nhân tạo và trong lồng lưới; thí nghiệm nuôi thương phẩm ốc nhảy da vàng tại xã Bản Sen (Vân Đồn)…

Theo ông Vũ Công Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm, với tốc độ nuôi ốc nhảy ở các xã đảo Vân Đồn như hiện nay, ước tính nhu cầu về con giống là trên 7,5 triệu con/năm. Vì thế, việc thực hiện thành công đề tài sẽ đáp ứng được nhu cầu lớn về con giống, giảm chi phí đầu vào, giúp các hộ nuôi tạo ra lượng sản phẩm lớn phục vụ thị trường; đồng thời góp phần đa dạng nghề nuôi nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.


Related news