Reports / Mô hình kinh tế

Quảng Nguyên, Chú Trọng Phát Triển Đàn Gia Súc Theo Hướng Hàng Hóa

Publish date: Thursday. June 19th, 2014

Những năm qua, tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai; nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Nguyên (Xín Mần) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.

Đặc biệt từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phong trào chăn nuôi của xã càng được đẩy mạnh; nhiều hộ gia đình đã tận dụng đất trồng cỏ, vỗ béo cho đàn gia súc hàng hóa.

Bên cạnh nguồn cỏ tự nhiên, gia đình anh Sin Văn Sơn, thôn Tân Sơn còn trồng thêm cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Theo thống kê, hiện đàn gia súc của xã Quảng Nguyên có trên 8.347 con, trong đó: Đàn trâu 2.608 con, bò 91 con, ngựa 91 con, đàn dê 1.694 con, đàn lợn 2.874 con... Để đàn gia súc của xã phát triển ổn định, bền vững; cùng với việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi, thì công tác tiêm phòng; phòng, chống dịch bệnh cũng được xã đặc biệt quan tâm.

Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã triển khai tiêm phòng được 2.700 liều vác-xin LMLM vụ 1 trên đàn trâu, bò; phun tiêu độc khử trùng 90 lít hóa chất. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nên nhiều năm qua, toàn xã không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc. Cùng với đó, xã đã hoàn thành quy hoạch và trồng được 151 ha cỏ đảm bảo cung cấp đủ thức ăn cho đàn gia súc.

Chính nhờ đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá, mà nhiều gia đình ở xã Quảng Nguyên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như hộ gia đình anh Sin Văn Sơn, thôn Tân Sơn có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Anh Sơn chia sẻ: Trước kia cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy nương ngô, ruộng lúa mà vẫn không đủ ăn.

Được hỗ trợ về vốn và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, từ năm 2010 đến nay, gia đình anh không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Hiện gia đình anh có 21 con trâu, để đảm bảo nguồn thức ăn và vỗ béo cho đàn trâu, gia đình anh trồng thêm 1,5 ha cỏ voi.

Cũng như anh Sơn, gia đình anh Lý Văn Sinh, ở thôn Khâu Rom có thu nhập ổn định hàng năm trên 50 triệu đồng từ việc chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Hiện gia đình anh chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, ngoài tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để làm thức ăn cho đàn trâu thì với 1,2 ha cỏ trồng được anh dùng để vỗ béo cho 15 con trâu của gia đình.

Đồng chí Nguyễn Thế Hệ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để người dân chuyển dần từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; cấp ủy, chính quyền xã Quảng Nguyên đã tích cực tuyên truyền và phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng NN&PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, KH - KT trong chăn nuôi cho người dân.

Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện phát triển nhiều mô hình chăn nuôi giúp bà con nông dân tìm ra hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình; qua đó, phát hiện những mô hình chăn nuôi hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương để nhân rộng trong toàn xã...

Trong thời gian tới, xã tích cực huy động mọi nguồn lực để giúp người dân vay vốn phát triển chăn nuôi đàn gia súc, đồng thời thực hiện việc chuyển giao các tiến bộ KH - KT giúp người dân nâng cao được hiệu quả chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, chuyển đổi diện tích đất không chủ động nguồn nước sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, tăng cường về phòng ngừa dịch bệnh.

Phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa ở Quảng Nguyên, bước đầu đem lại hiệu quả, tạo công ăn việc làm và chuyển biến trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 38,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,1 triệu đồng/người/năm; đàn gia súc tăng cả số lượng và chất lượng; sản phẩm chăn nuôi đã từng bước trở thành hàng hoá, góp phần nâng cao nguồn thu nhập của người dân. Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn xã vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán ở hộ gia đình, chưa có trang trại chăn nuôi lớn; gia súc vẫn chủ yếu là chăn thả tự nhiên, dẫn đến chất lượng, sản lượng đàn còn thấp...

Để phát triển một cách ổn định và bền vững đàn gia súc ở Quảng Nguyên cũng như phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Xín Mần, thì việc hỗ trợ chuyển giao KH - KT, hỗ trợ vay vốn, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa cũng cần được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa.


Related news