Reports / Mô hình kinh tế

Phát triển vườn cây ăn trái

Publish date: Monday. June 22nd, 2015

Điểm sáng là vậy, song hiện tại sản xuất và xuất khẩu trái cây chưa tương xứng với tiềm năng; thực trạng “tới mùa rớt giá” thường xảy ra khiến người dân lo lắng.

Lợi nhuận cao hơn lúa

Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch trái cây, trong đó một số loại trái cây đầu vụ được giá làm cho nhiều hộ phấn chấn. Ông Lê Văn Ngoan, ở xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Măng cụt thu hoạch sớm được thương lái mua tới 115.000 đồng/kg, nhưng sản lượng rất ít bởi khó xử lý cho trái sớm.

Tôi may mắn có được 2 công cho trái sớm, nhờ đó thu về lợi nhuận cao”. Ông Huỳnh Minh Trí, cán bộ nông nghiệp xã An Phú Tân, bộc bạch: “Toàn xã có hơn 90ha măng cụt, thông thường đầu vụ được giá rất cao, bởi sản lượng ít. Hiện tại, măng cụt các nơi bắt đầu thu hoạch nhiều lên nên giá giảm xuống 30.000 - 40.000 đồng/kg; giá này vẫn đảm bảo cho bà con thu lãi cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”.

Tại Tiền Giang và Bến Tre, nhiều nông dân đang thu hoạch sầu riêng. Ông Lữ Văn Thiện, Phó Chủ nhiệm HTX Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, tiết lộ: “Sầu riêng Ri 6 được thương lái mua với giá 25.000 - 35.000 đồng/kg, giá này nhà vườn đã có lời”. Trong khi đó, quýt đường cũng được thương lái đẩy mạnh thu mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Theo Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, nếu quýt đường duy trì mức 30.000 đồng/kg thì 1ha cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng, khó loại cây nào sánh kịp. Từ nguồn lợi trên, nên nông dân Lai Vung mở rộng diện tích quýt đường lên 1.150ha.

Đầu tư phát triển căn cơ

Theo Bộ NN&PTNT, trái cây ở Nam bộ rất đa dạng, trong đó có 10 chủng loại được các địa phương trồng với diện tích lớn gồm: xoài, chuối, nhãn, thanh long, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng và quýt. Thời gian qua, thị trường tiêu thụ trái cây có thuận lợi; trong đó số lượng, chủng loại và kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều tăng. Một số loại trái cây như chôm chôm, thanh long, nhãn… đã vào được những thị trường khó tính trên thế giới; nhờ nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về chất lượng.

Mặt được là vậy, tuy nhiên việc sản xuất trái cây ở Nam bộ, nhất là các tỉnh ĐBSCL còn ở dạng nhỏ lẻ. Số diện tích đạt chứng nhận GAP được nước ngoài cấp mã số còn ít. Tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều vườn cây ăn trái bị thất thu. Thêm hạn chế là doanh nghiệp và thương lái rất ít đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, ít hợp tác với nông dân về sản xuất và tiêu thụ trái cây. Hệ thống chế biến, bảo quản trái cây còn kém. Việc xây dựng thương hiệu, tổ chức quảng bá về trái cây chưa nhiều. Lo ngại nhất là giá cả trái cây lên xuống thất thường, lúc vụ nghịch thì giá cao, khi vào vụ thu hoạch rộ thì rớt khiến nhiều hộ thua lỗ; mà thanh long, ổi, chôm chôm, xoài… là thí dụ điển hình.

Bộ NN&PTNT cho rằng, để phát triển trái cây một cách căn cơ thì cần mạnh dạn thay đổi. Theo đó, không sản xuất ào ạt vào chính vụ, mà tính toán áp dụng rải vụ một cách hợp lý nhằm tránh rớt giá. Thời gian qua đã có một số loại trái cây rải vụ thành công như: sầu riêng vụ nghịch giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 396 triệu đồng/ha, cao gấp 1,8 lần so với chính vụ; chôm chôm chính vụ giá dao động 5.000 - 13.000 đồng/kg, nhưng rải vụ giá tới 18.000 - 35.000 đồng/kg...

Viện Cây ăn quả miền Nam nhìn nhận: “Cần mạnh dạn tổ chức lại sản xuất trái cây theo quy mô lớn, gắn từng cá thể vào tổ hợp tác hoặc HTX nhằm tạo ra sản lượng trái cây lớn, độ đồng đều cao, màu sắc đẹp… để cung ứng cho thị trường xuất khẩu đều đặn về số lượng và chất lượng ổn định”. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, đê bao, điện, nước… tạo thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển trái cây.

Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu trái cây vào những thị trường lớn và mở rộng thị trường mới. Có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất trái cây, ký kết với nông dân tiêu thụ trái cây, xây nhà máy chế biến, kho trữ…

Các địa phương thống nhất quy hoạch phát triển trái cây về chủng loại, sản lượng, thời vụ, sau đó phân bổ xuống từng xã để sản xuất hợp lý. Tiến hành xây dựng chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt là đầu tư vốn và kỹ thuật để xây dựng các vùng chuyên canh trái cây theo hướng hàng hóa. Trước mắt, có thể thí điểm một số vùng “làm mẫu” để người dân thấy hiệu quả và làm quen với cách sản xuất mới, sau đó nhân rộng”.

Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL kiến nghị, trồng cây ăn trái phải mất từ 2 - 4 năm mới cho thu hoạch, trong khi mức đầu tư ban đầu khá lớn nên nhiều hộ thiếu vốn. Vì vậy, Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ các vùng chuyên canh cây ăn trái được vay vốn dài hạn, lãi suất thấp, mức vay đảm bảo để nông dân có điều kiện phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.


Related news