Reports / Mô hình kinh tế

Phát Triển Sinh Vật Cảnh Gắn Với Xây Dựng Nông Thôn Mới

Publish date: Monday. July 28th, 2014

Sinh vật cảnh hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã chỉ dành cho giới thượng lưu mà đã nhân rộng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Ở Đồng Tháp, loại hình nghệ thuật này hiện đang phát triển với sự tham gia ngày càng nhiều của những người yêu nghệ thuật.

Bởi lẽ ngoài đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, sinh vật cảnh còn mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, Hội Sinh vật cảnh đã được thành lập hầu hết ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, hoạt động của Hội Sinh vật cảnh ở các địa phương còn nhiều khó khăn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tập hợp được đông đảo nhân dân tham gia hoạt động của Hội, tham gia bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các di tích văn hóa lịch sử và môi trường sinh thái.

Để tạo điều kiện cho Hội Sinh vật cảnh các cấp trong tỉnh có điều kiện hoạt động, củng cố và phát triển tổ chức, góp phần thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương, yêu cầu các cấp, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển sinh vật cảnh, kinh tế vườn, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Làm tốt việc quy hoạch, định hướng phát triển, hình thành vùng chuyên canh sản xuất sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh.

Quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo phát triển Hội Sinh vật cảnh, phát triển sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh. Các địa phương tạo điều kiện cho Hội Sinh vật cảnh các cấp hoạt động, củng cố và phát triển tổ chức Hội, nâng cao chất lượng hoạt động

Hội trong việc phát triển sản xuất sinh vật cảnh, thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hoa kiểng cho các nghệ nhân tham gia mô hình phát triển sinh vật cảnh, phát động nhân dân cùng tham gia phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp, phát triển sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh.

TP.Sa Đéc phối hợp với một số sở, ngành liên quan triển khai xây dựng Chương trình phát triển làng nghề hoa kiểng thành phố để kết nối phát triển du lịch, gắn với định hướng xây dựng thành phố hoa. Hàng năm nghiên cứu tổ chức lễ hội sinh vật cảnh và trái cây vào một số dịp lễ hội lớn của tỉnh như liên doanh, liên kết tạo ra các sản phẩm sinh vật cảnh có hàm lượng công nghệ cao, tính nghệ thuật cao, tổ chức các hội chợ, hội thi, giao dịch, trưng bày, triển lãm, thông tin quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, các mô hình tiên tiến về sinh vật cảnh để tạo đầu ra và nâng cao tay nghề.

Tỉnh cần ban hành chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút các nghệ nhân, các nhà đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài xây dựng các cơ sở nghiên cứu bảo tồn, sản xuất sinh vật cảnh với công nghệ tiên tiến; xây dựng và quảng bá thương hiệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh những giải pháp cụ thể, để phát triển sinh vật cảnh cần đặt ra và tập trung thực hiện như giải pháp về quy hoạch; về phát triển hệ thống thương mại dịch vụ sinh vật cảnh; về nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới... Trước mắt, Hội cần khai thác, phát huy tiềm năng tài nguyên sinh vật cảnh trong tỉnh, bảo tồn những sinh vật cảnh quý hiếm.

Tăng cường đào tạo, tập huấn tay nghề kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sinh vật cảnh, khuyến khích phát triển các loại sinh vật cảnh độc đáo, đặc sắc và có tính cạnh tranh cao... gắn phát triển sinh vật cảnh với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.


Related news