Reports / Mô hình kinh tế

Phát triển mô hình nuôi tôm theo hướng liên kết và thâm canh

Publish date: Saturday. August 22nd, 2015

Với mô hình nuôi tôm thâm canh, ông Trần Văn Tỷ (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) đã có thu nhập 100 triệu đồng/ha thả nuôi. Hiện nay ông Tỷ có 1,5 ha đang nuôi tôm sú thâm canh. Ông Tỷ cho biết: “Ưu điểm của nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh là thời gian nuôi ngắn (từ 2,5 - 3 tháng), có thể nuôi với mật độ cao (80 - 100 con/m2), thu hoạch sản lượng lớn.

Tuy nhiên, nuôi loại tôm này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với tôm sú, nhất là đảm bảo nhu cầu ôxy hòa tan trong suốt quá trình nuôi. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các loại vật tư nông nghiệp đầu vào; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ về ao nuôi, môi trường nước, môi trường nuôi...". Nhờ những kinh nghiệm này, ông Tỷ thu hoạch 25 tấn tôm, lãi gần 1,5 tỷ đồng/vụ nuôi năm 2014-2015 và hiện ông đang tiếp tục thả nuôi.

Nếu như trước đây, nhiều người nuôi tôm sú trong mô hình lúa - tôm kết hợp ở vùng phía Bắc huyện Hồng Dân và Phước Long, thì nay tôm sú dần được thay thế bằng con tôm càng xanh. Bởi, tôm càng xanh bán được giá khá cao, năng suất ổn định, ít bị dịch bệnh. Hiện nay diện tích nuôi tôm càng xanh ngày càng tăng. Cụ thể, huyện Hồng Dân, năm 2010 diện tích nuôi tôm càng xanh chỉ có 180 ha, nhưng năm 2015 đã tăng lên trên 750 ha.

Ông Võ Văn Út, Bí thư huyện ủy Hồng Dân cho biết, để giúp nông dân trong huyện nắm bắt những kỹ thuật cần thiết áp dụng vào mô hình sản xuất lúa - tôm, ngành chức năng huyện Hồng Dân đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn người nuôi tôm cách chọn giống, tạo nguồn thức ăn bổ sung để tôm phát triển nhanh… mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều bà con ở vùng chuyển đổi vẫn lo lắng về thiếu con giống và chất lượng con giống trên thị trường. Nhiều người cho rằng, cần có điểm phân phối tôm giống đạt chất lượng cho vùng chuyển đổi nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người nuôi.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Dân, để giúp người dân vùng chuyển đổi lúa - tôm của huyện yên tâm phát triển sản xuất, trước mỗi vụ nuôi, Phòng đều cử cán bộ xuống cơ sở trực tiếp giúp người dân xử lý, cải tạo môi trường; đồng thời cử cán bộ đến các trại sản xuất tôm giống để lấy mẫu xét nghiệm. Và từ kết quả xét nghiệm, đơn vị sẽ cung cấp địa chỉ sản xuất tôm giống đạt chất lượng để bà con đến mua giống về thả nuôi.

Ngành nông nghiệp Bạc Liêu khuyến cáo nhiều giải pháp để người nuôi áp dụng như: khuyến khích nông dân nuôi tôm mật độ thưa; khi nuôi phải có ao ương, ao lắng, đặc biệt là ao lắng sinh thái. Người nuôi tôm phải có trách nhiệm với cộng đồng, không bơm nước xả thải ao tôm ra ngoài kênh; tăng cường sử dụng vi sinh, nuôi tôm thân thiện với môi trường.

Đặc biệt là đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực sản xuất tôm giống, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi. Bên cạnh đó, xử phạt nghiêm đối với các cơ sở sản xuất không tuân thủ quy định Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy trình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh; cập nhật các công nghệ nuôi tiên tiến, hiện đại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hướng dẫn người nuôi áp dụng.


Related news