Reports / Mô hình kinh tế

Phát Triển Cây Cà Phê Theo Nhóm Hộ Giúp Nông Dân Canh Tác Bền Vững

Publish date: Wednesday. December 3rd, 2014

Trong gần 3 năm qua, huyện Đắk Glong đã thành lập được hơn 11 nhóm nông dân, với 180 thành viên, trong đó đa phần là các hộ trồng cà phê.

Để giúp các hộ nông dân canh tác cà phê hiệu quả, huyện đã phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp, Dự án Oxfam  mở các lớp tập huấn về cây cà phê, nhằm cung cấp cho bà con những kiến thức về kỹ thuật trồng mới cây cà phê, cắt cành, tạo tán, kỹ thuật chăm sóc cà phê sau thu hoạch, phòng trừ dịch bệnh trên cây cà phê…

Cách thức tập huấn được các cán bộ chuyên môn lựa chọn những phương pháp gần với thực tế, dễ hiểu, phù hợp với từng thành viên trong các nhóm và phù hợp với mùa vụ của cây cà phê, từ đó các thành viên tham gia tập huấn có thể dễ dàng áp dụng những kỹ thuật tiếp thu được ngay tại vườn rẫy của gia đình. Chỉ sau 1-2 năm, năng suất cà phê của các hộ tham gia dự án đã tăng  từ 3-10 lần so với trước.

Gia đình ông Lục Văn Vảng, tham gia nhóm Tân Lợi ở xã Đắk P'lao có 1 ha cà phê. Trước đây, vườn cà phê của gia đình ông luôn bị bệnh vàng lá, nhưng sau khi áp dụng kỹ thuật chăm sóc cà phê thì vườn cà phê của gia đình ông đã xanh tốt, đạt năng suất cao gấp 3 lần so với vụ trước.

Ông Lục Văn Vảng cho biết: “Chỉ với 1 ha nhưng vụ này, gia đình tôi dự tính thu được trên 4 tấn. Ban đầu mới trồng cà phê, bản thân tôi cũng chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nhưng qua nhiều lần đi tập huấn và học hỏi kinh nghiệm của bà con trong nhóm, được họ giúp đỡ, tôi đã làm được”.

Không chỉ thay đổi trong kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, người dân còn biết cách tiếp cận với thông tin thị trường để lựa chọn thời điểm bán cà phê với giá tốt nhất. Hiện nay, các nhóm đều có đại diện gửi tin nhắn nhận thông tin thị trường cà phê.

Theo ông Nguyễn Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Glong thì việc thành lập, duy trì các nhóm hộ nông dân sản xuất cà phê đã giúp bà con thực hiện việc mua bán vật tư nông nghiệp hay sản phẩm do mình làm ra được cải thiện đáng kể. Trong quá trình sản xuất, bà con biết hỗ trợ, giúp đỡ nhau, tạo lập được quỹ nhóm, giúp cho hộ khó khăn làm kinh tế. Nhờ vậy, trong thời gian qua, hầu như các hộ nghèo khi tham gia vào các nhóm hộ này đều đã được thoát nghèo và có thu nhập khá.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, năm 2013 trở về trước, bình quân năng suất cà phê của tỉnh đạt khoảng trên 2,1 tấn/ha, trong đó, năng suất cà phê ở một số vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số chỉ đạt 1-1,5 tấn/ha, có nơi còn thấp hơn. Năng suất cà phê thấp là do nhiều hộ gia đình chưa nắm vững quy trình kỹ thuật trong canh tác cà phê. Do vậy, việc thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác trồng cà phê để tập trung hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp họ hiểu hơn về cây cà phê và biết cách phát triển cà phê bền vững là rất cần thiết.

Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/phat-trien-cay-ca-phe-theo-nhom-ho-giup-nong-dan-canh-tac-ben-vung-36132.html


Related news