Reports / Mô hình kinh tế

Phát Triển Bền Vững Vùng Chè Shan Tuyết Thượng Sơn

Publish date: Tuesday. March 4th, 2014

Đến xã Thượng Sơn (Vị Xuyên), điều ấn tượng nhất không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên chứa vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc mà thấp thoáng bên cánh rừng, những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi vẫn gắn bó keo sơn với mảnh đất này, để làm nên thương hiệu chè Shan tuyết Thượng Sơn nổi tiếng...

Từ những giá trị vốn có của chè Shan và để Thượng Sơn trở thành vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung theo hướng ổn định, bền vững, năm 2013, UBND huyện Vị Xuyên đã thực hiện Phương án: “Phát triển sản xuất vùng chè Shan tuyết hữu cơ Thượng Sơn”. Việc làm này sẽ từng bước nâng cao năng suất, chất lượng chè, để Shan tuyết Thượng Sơn đủ sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng chè.

Nằm dọc dải Tây Côn Lĩnh, ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, những cây chè Shan tuyết có sự thích nghi đặc biệt với khí hậu cũng như thổ nhưỡng của địa phương.

Qua hàng trăm năm, những cây chè cổ thụ sinh trưởng, phát triển tự nhiên nên vẫn giữ được nguyên sơ chất chè hữu cơ (chè sạch). Với màu nước vàng mật bắt mắt cùng vị chát đặc trưng, ngọt hậu và hương thơm dịu nhẹ trong tách trà mới pha, chè Shan tuyết Thượng Sơn đã chinh phục bao người tiêu dùng, lôi cuốn cả những người sành thưởng thức chè nhất để mang lại giá trị kinh tế cho người trồng chè.

Tuy nhiên, với những tiềm năng phát triển như vậy nhưng thực trạng sản xuất chè tại xã Thượng Sơn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng chè Shan.

Thượng Sơn có địa hình đồi núi dốc, giao thông không thuận tiện. Diện tích chè chủ yếu được trồng tại các thôn vùng cao nên việc thu, hái và bảo quản chè gặp nhiều khó khăn. Việc phát triển, mở rộng diện tích chè được người dân thực hiện trồng một cách tự phát, không theo quy hoạch và không áp dụng các quy trình kỹ thuật dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.

Cùng với số lượng chè cổ thụ giảm (do người dân chưa thực sự chú trọng đến khâu chăm sóc và bảo vệ), nguồn cây giống không đảm bảo (hiện có rất nhiều chè vàng, chè trung du trồng tại xã) đã ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu của chè Shan tuyết.

Mặt khác, chưa có sự liên kết giữa hộ dân với các doanh nghiệp chế biến. Việc thu mua chủ yếu dựa vào các thương lái nên giá cả thị trường không ổn định. Cây chè chưa mang lại thu nhập cao cho người dân, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế của sản phẩm vốn là cây trồng chủ lực của xã...

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2013, huyện Vị Xuyên đã triển khai thực hiện Phương án: “Phát triển sản xuất vùng chè Shan hữu cơ Thượng Sơn”. Theo đó, 66 hộ của 6 thôn: Cao Bành, Bó Đướt, Đán Khao,... đã tham gia phương án trên, với quy mô thực hiện lên đến 40 ha. Những diện tích chè trồng mới được lấy quả giống từ những cây chè Shan tuyết địa phương trên 5 năm tuổi, có sức sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại.

Các hộ tham gia phương án được cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Xuyên hướng dẫn kỹ thuật, từ khâu chuẩn bị đất, thu hái quả chè đến cách trồng, chăm sóc mầm hạt và theo dõi sâu bệnh hại để cây chè sinh trưởng, phát triển ổn định.

Các Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ (những người nắm rõ địa bàn và có kinh nghiệm trong sản xuất chè) được hỗ trợ chi phí để kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các hộ tham gia, thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc chè. Khi chè mới trồng chuẩn bị cho thu hoạch, các hộ tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ 5 máy sao chè mini, tôn quay.

Các thôn: Đán Khao, Bó Đướt, Cao Bành, Khuổi Luông và Hạ Sơn được hỗ trợ chi phí xây nhà xưởng chế biến chè. Cùng với đó, huyện Vị Xuyên chú trọng hướng đến việc thu thập thông tin thị trường, hỗ trợ người dân tham gia các hội chợ thương mại, nhằm quảng bá sản phẩm chè hữu cơ Shan tuyết Thượng Sơn đến người tiêu dùng.

Đồng thời, tăng cường mối liên kết giữa hộ trồng chè với các doanh nghiệp chế biến, tạo đầu ra và giá cả ổn định cho người sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã Thượng Sơn có 2 cơ sở sản xuất và chế biến chè Shan tuyết là: Hợp tác xã 19.5 và Nhà máy chè Bách Shan (thuộc Công ty Cổ phần trà Bách San Hà Giang), cam kết với UBND huyện Vị Xuyên thực hiện thu mua dài hạn, giá cả hợp lý đối với những sản phẩm chè Shan búp tươi và những sản phẩm đã qua sơ chế đạt tiêu chuẩn cho người trồng chè.

Với mục tiêu phát triển chè Shan tuyết Thượng Sơn thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến của huyện Vị Xuyên không chỉ góp phần cải thiện, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, từng bước gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái theo chủ trương của huyện, mà theo tính toán của cơ quan chuyên môn, đến năm 2016, việc ổn định tổng diện tích 1.110 ha chè sản xuất trên địa bàn xã, sẽ đưa năng suất chè từ 9 tấn lên 12 tấn/ha/năm; nâng sản lượng chè búp tươi từ 9.990 tấn lên 13.320 tấn/năm.

Tạo ra thu nhập bình quân từ sản xuất chè lên đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Đồng thời, mỗi ha chè Shan tuyết sẽ góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm cho các gia đình và cơ sở chế biến. Các điểm trồng chè mới sẽ là nơi để các hộ khác tham quan, học tập, tham gia trồng mới trên các diện tích trống, cũng như trồng dặm đối với những diện tích chè bị mất khoảng.

Trong năm 2013, 788 ha chè đang cho thu hoạch đã mang lại cho người dân xã Thượng Sơn nguồn thu trên 14 tỷ đồng. Trong tương lai không xa, khi Phương án: “Phát triển sản xuất vùng chè Shan tuyết hữu cơ Thượng Sơn” phát huy hiệu quả, sẽ trở thành hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp.

Góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM mà huyện Vị Xuyên đã đề ra.


Related news