Reports / Mô hình kinh tế

Nuôi Trồng Thuỷ Sản Vụ Xuân Hè Ở Quảng Yên (Quảng Ninh) Cần Cảnh Giác Với Dịch Bệnh

Publish date: Monday. April 7th, 2014

Theo kế hoạch, vụ nuôi thuỷ sản xuân hè năm nay, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) sẽ thả nuôi trên diện tích 7.200ha thuỷ sản các loại với khoảng 400 triệu con tôm giống, 20 triệu cá giống, 40 triệu con cua giống...

Hiện nay, một số doanh nghiệp nuôi theo hình thức công nghiệp đã thả giống được hơn 1 tuần và một số hộ dân thả nuôi theo hình thức quảng canh cũng đã thả giống với tổng diện tích khoảng 1.000ha.

Trong những năm gần đây, nuôi tôm theo hình thức thâm canh (nuôi công nghiệp) đã đem lại hiệu quả khá cao cho các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản tại Quảng Yên. Vụ thu đông vừa qua, toàn thị xã có 172ha nuôi tôm theo hình thức thâm canh, chiếm hơn 2% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn nhưng sản lượng lại chiếm trên 60% tổng sản lượng tôm nuôi. Tiêu biểu như tại Công ty CP Nuôi trồng thuỷ sản Tân An.

Vụ vừa qua, Công ty thả nuôi trên diện tích 35ha theo hình thức rải vụ, vừa có tôm thu hoạch, vừa đồng thời thả nuôi trên những diện tích vừa thu hoạch xong. Đây là một cách làm đã được Công ty áp dụng nuôi trong vài năm gần đây nhằm hạn chế rủi ro về dịch bệnh và do thời tiết gây ra.

Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương, phường Tân An, vụ nuôi này cũng thả nuôi 6ha theo hình thức nuôi thâm canh bằng nhà bạt. Tôm nuôi được quây kín trong các nhà bạt, đảm bảo an toàn về dịch bệnh, hạn chế tác động của thời tiết, nhất là những đợt rét đậm, rét hại và những đợt nắng nóng kéo dài.

Với cách thả nuôi như vậy, Công ty có thể nuôi được 4 vụ/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, vụ nuôi xuân hè năm nay tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh bởi môi trường trong ao nuôi tại những vụ trước liên tiếp xảy ra dịch bệnh, nhất là đối với nuôi tôm, trong khi đó những tồn tại trong công tác kiểm dịch nguồn giống là những bất cập tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh.

Bên cạnh đó, mặc dù Quảng Yên đã có cơ chế hỗ trợ phát triển giống thuỷ sản, song mới chỉ đáp ứng được khoảng 25-30% nhu cầu giống tại địa phương. Do không chủ động được về giống nên hầu hết nguồn giống phải nhập từ các tỉnh miền Trung và từ Trung Quốc, chất lượng không kiểm soát được triệt để, việc tái kiểm dịch hầu như không thực hiện.

Mặc dù chất lượng giống tại các cơ sở sản xuất giống ở địa phương những năm gần đây đã được kiểm soát tốt hơn, tuy nhiên, năm 2013 cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện kiểm dịch ở tôm bố mẹ, đến khi xuất bán cho người dân lại không thực hiện kiểm dịch, đây là khâu tồn tại trong việc sản xuất tôm giống.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ sở gặp khó khăn trong việc mang mẫu đi xét nghiệm, thời gian trả lời kết quả lâu, do phải mang mẫu tôm giống đi nơi khác (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng) mới xét nghiệm được.

Ông Nguyễn Hồng Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Gần đây, các cơ sở nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn thị xã đã từng bước lựa chọn được công nghệ nuôi phù hợp, thân thiện với môi trường. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm thâm canh đã được 100% các cơ sở nuôi thực hiện, bằng việc sử dụng các chế phẩm vi sinh để quản lý môi trường nuôi, nên đã giảm được chi phí, hạn chế việc sử dụng hoá chất, không sử dụng kháng sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi.

Tuy nhiên, để chủ động phòng chống dịch bệnh thuỷ sản, ngay từ đầu vụ nuôi, thị xã khuyến cáo người nuôi thả nuôi theo đúng quy hoạch vùng nuôi, khung thời vụ; kiểm tra các hoạt động sản xuất và kinh doanh con giống thuỷ sản trên địa bàn; tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản về bộ tiêu chí VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nghề nuôi, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường thực hiện quan trắc, cảnh báo về môi trường, bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời.


Related news