Reports / Mô hình kinh tế

Nuôi Trâu, Bò Thương Phẩm Ở Mai Tùng (Phú Thọ)

Publish date: Saturday. July 26th, 2014

Nói đến con trâu, bò người ta thường nghĩ ngay đến mục đích sử dụng sức kéo để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trâu, bò ở xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) còn có một tên gọi khác đó là “con xoá đói giảm nghèo bền vững”.

Bằng nghề nuôi trâu, bò vỗ béo thương phẩm, nhiều hộ gia đình của xã đã vươn lên làm giàu, các hộ nuôi thường xuyên từ 5- 10 con trở lên, mỗi năm cho thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng.

Những năm về trước, ở Mai Tùng nghề nuôi trâu, bò thương phẩm chưa phát triển, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các gia đình.

Từ năm 2005 trở lại đây, nghề này phát triển rất sôi động, những tháng cuối năm, đàn trâu được chăm sóc tốt, tăng trọng gấp 2 - 3 lần với mục đích đáp ứng thị trường tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán. Vào thăm gia đình anh Nguyễn Quang Hợp khu 5, chúng tôi tận mắt nhìn đàn trâu đang trong giai đoạn vỗ béo chuẩn bị xuất bán.

Dãy chuồng được xây dựng đơn giản nhưng khá sạch sẽ, thoáng mát và có hầm biogas để xử lý chất thải. Hiện gia đình anh đang nuôi 5 con trâu và 10 con bò.

Qua trao đổi anh cho biết: Trước đây anh chỉ nuôi 1 đến 2 con chăn thả tranh thủ lúc rảnh rỗi, nhưng rồi thấy nuôi nhốt, cho ăn thêm bã đậu hiệu quả cao hơn, nên 5 năm nay anh đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi tập trung. Mỗi năm gia đình anh nuôi trung bình 3 lứa, mỗi lứa khoảng 5 – 7 con trâu và 10 con bò.

Trâu lúc mua về có giá 15- 20 triệu đồng/con, bò khoảng 12- 15 triệu đồng/con, sau 3 - 4 tháng nuôi thì cho xuất chuồng, trung bình một con trâu bán được 25 triệu đồng, cá biệt có con bán được 30 triệu đồng; bò thì bán được 17 – 20 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí thức ăn tiền bã đậu, cám ngô, cám tổng hợp, mỗi con anh có thể thu lãi được 4 triệu đồng.

Ngay bên cạnh nhà anh Hợp là gia đình anh Nguyễn Văn Đông đã có 15 năm trong nghề nuôi trâu, bò. Xuất phát từ nghề buôn bán trâu, bò qua những lần đi chợ mua trâu, bò ở các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận có nhiều người bán trâu, bò gầy, yếu với giá thấp, từ đó anh mua trâu về nuôi vỗ béo để bán với giá cao hơn.

Năm 2013, anh Đông xuất chuồng 3 lứa trâu, bò mỗi lứa lãi vài chục triệu đồng, riêng lứa cuối năm anh nuôi 15 con trâu bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm được giá lãi gần 60 triệu đồng.

Anh Đông cho biết: “Nuôi trâu, bò là nguồn thu nhập chính của gia đình, không tốn công mà hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng giá thịt trâu, bò luôn ổn định, được thị trường tiêu thụ mạnh “cung không đủ cầu”, lúc nào cũng trong tình trạng khan hàng”.

Nuôi trâu bò phải chú ý khâu vệ sinh, chuồng trại hàng ngày phải quét dọn sạch sẽ, mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ. Trâu, bò mua về được chủ nhà tắm rửa sạch sẽ, tìm cách diệt các loại côn trùng bám ngoài da. Phong trào nuôi trâu bò hàng hóa từ một vài hộ ban đầu ở Mai Tùng đến nay đã có hơn 200 hộ tham gia.

Với tổng đàn gần 1.000 con trên lứa, với vòng quay 2-3 tháng/lứa, tổng lượng trâu bò chu chuyển trong năm lên đến 2.000 con. Theo cách tính khiêm tốn của bà con, mỗi con trâu bò lãi 5 triệu đồng thì hàng năm bà con thu về 1,5 tỷ đồng.

Bằng nghề nuôi trâu bò thương phẩm, nhiều gia đình trong xã Mai Tùng đã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên với nguồn vốn đầu tư khá lớn, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều gia đình chưa mạnh dạn đầu tư theo hướng này.

Đây cũng là vấn đề cần sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước về vốn, kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt có biện pháp phòng, chống dịch bệnh, để người nông dân ở Mai Tùng có thể phát triển hơn nữa nghề nuôi trâu, bò thương phẩm và có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.


Related news