Reports / Tin thủy sản

Nuôi tôm sinh thái đạt chuẩn quốc tế tại Omarsa

Author: Phương Ngọc (Omarsa, Aquaculture, Thefishsite)
Publish date: Wednesday. February 26th, 2020

Omarsa là một trong hai công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Ecuador và sở hữu trang trại nuôi tôm sinh thái lớn nhất thế giới. Tôm Omarsa luôn đảm bảo chất lượng bởi tuân thủ nghiêm ngặt về kiểm soát và nguyên tắc bảo vệ môi trường.

Sản phẩm tôm sinh thái của Omarsa - Ảnh: Intrafish

Đi đầu về chứng nhận

Từ năm 2000 - 2015, tổng sản lượng nuôi tôm toàn cầu tăng 329% từ 1,14 triệu tấn lên 4,88 triệu tấn. Trong khoảng thời gian này, nhu cầu đối với thực phẩm hữu cơ/sinh thái đã trở thành xu hướng và nhu cầu đối với tôm nuôi sinh thái cũng không ngoại lệ. Chứng nhận Naturland có ảnh hưởng đặc biệt trong sự phát triển của ngành tôm sinh thái toàn cầu. Năm 2002, các trang trại nuôi tôm sinh thái đầu tiên tại Việt Nam và Ecuador đã đạt chứng nhận Naturland. Kể từ đó, sản xuất tôm sinh thái đã mở rộng sang các quốc gia khác như Bangladesh, Brunei, Trung Quốc, Costa Rica, Honduras, Ấn Độ, Indonesia, Madagascar và Peru...  Sản lượng tôm sinh thái ước tính đạt 16.317 tấn hoặc 4% trong tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản sinh thái và tăng trưởng trong năm 2013. Hai loại tôm chủ yếu được chứng nhận sinh thái là: Tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Các tiêu chuẩn hữu cơ như Naturland nghiêm ngặt hơn so với chứng nhận nuôi trồng thủy sản thông thường, bắt buộc phải tuân thủ nghiêm túc về thành phần thức ăn, phúc lợi động vật, các vấn đề xã hội và môi trường theo quy định. Các tiêu chuẩn như vậy khiến chi phí sản xuất tăng, do đó, sản phẩm tôm sinh thái được chứng nhận có giá cao hơn.

Omarsa đã có cả Naturland và GlobalGAP. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu nhiều chứng nhận khác như HACCP - Surefish, ACC, AB-Ecocert, BRC, BASC, Euroleaf và QCS. Năm 2014, Omarsa đã trở thành nhà sản xuất tôm đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận ASC. Năm 2016, Omarsa lại tiên phong trong việc đạt chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất 4 sao - BAP 4 sao”. 

Sandro Coglitore, CEO của Omarsa cho biết: “Có toàn bộ chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận BAP là một cấp độ hoàn toàn mới. Chúng tôi có thể tự hào công bố với tất cả khách hàng của mình. Bước tiếp theo này cho thấy cam kết của chúng tôi đối với một sản xuất bền vững, bao gồm trách nhiệm với môi trường và xã hội, an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật và truy xuất nguồn gốc”.

1.094 ha tôm sinh thái

Omarsa bắt đầu kinh doanh tôm vào tháng 2/1977 khi Don Arturo Vanoni Fernandez mua lại 250 ha đất đầu tiên ở đảo Chupadores Grande, Ecuador. Công ty có 2 trại sản xuất giống, 3 trại nuôi tôm với diện tích khoảng 3.600 ha và 2 nhà máy chế biến. Trong đó, trang trại tôm sinh thái chiếm diện tích lớn nhất ở Ecuador với 1.094 ha. 

Omarsa có kinh nghiệm xuất khẩu hơn 40 năm qua với hơn 50 thị trường trên thế giới; trong đó chủ yếu xuất khẩu sang EU, Mỹ và Canada, Nam Mỹ và châu Á.

Trang trại nuôi tôm sinh thái của Omarsa với mật độ nuôi 5 - 10 con/m2, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh hoặc thuốc trừ sâu gây hại tới hệ sinh thái; chú trọng tái tạo môi trường tự nhiên, tích cực trồng cây xanh và phục hồi rừng ngập mặn; thúc đẩy sử dụng men vi sinh và phân bón tự nhiên như Bokashi. Công ty cũng có các cơ sở phân tích hóa học nước (nước thải) và phòng thí nghiệm để theo dõi tình trạng/sức khỏe tôm nuôi. Tại các nhà máy chế biến, công nhân của Omarsa làm việc miệt mài để tạo ra nhiều dòng sản phẩm đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới.

Năm 2018, Omarsa xuất khẩu 64.410 tấn sản phẩm tôm, trị giá 383 triệu USD, theo dữ liệu thương mại từ Viện Thống kê quốc gia Ecuador. Doanh thu của Omarsa năm 2018 đạt 431 triệu USD. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu Omarsa, có khoảng 35% được sản xuất từ trang trại của Công ty và có 65% được thu mua từ người nuôi. Omarsa dự kiến chế biến 100.000 tấn tôm trong năm 2019 và đẩy doanh thu của Công ty tăng lên 600 triệu USD năm này.         

Jose Torres, Giám đốc kỹ thuật Omarsa chia sẻ: “Người tiêu dùng tôm sinh thái khác xa người tiêu dùng tôm bình thường - họ nhận biết về sự khác biệt và sẵn sàng trả phí cao hơn. Tôm sinh thái đang là một thị trường nhỏ nhưng chúng tôi hy vọng nó sẽ phát triển”. 


Related news