Reports / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Theo Quy Trình VietGap

Publish date: Thursday. June 13th, 2013

Với mục đích giúp các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm quen với sản xuất sản phẩm sạch, từ nguồn vốn khuyến nông quốc gia, lần đầu tiên Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư xây dựng thành công mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGap.

Hiệu quả thấy rõ

Ông Lê Đình Thi, hộ dân thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng sạch ở xã Quảng Lợi cho biết: “Gia đình tui nuôi cá từ nhiều năm nay, có hiệu quả nhưng chi phí cao hơn so với quy trình VietGap mới được Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư triển khai. Nuôi 1 hồ với diện tích hơn 3.000 m2, thả nuôi hơn 8.000 con, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Nuôi theo quy trình mới này cá ít bệnh, nhanh lớn, sản phẩm được nhiều người ưa thích”.

Nhằm tạo sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường, thời gian qua, Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư tỉnh xây dựng mô hình thí điểm nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính đực theo hướng VietGap với quy mô 1ha, lợi nhuận mang lại gần 100 triệu đồng. Mô hình được thực hiện ở 3 địa phương là xã Quảng Lợi (Quảng Điền), Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) và Phong Sơn (Phong Điền).

Quá trình nuôi cá phát triển tốt, các hộ nuôi tuân thủ quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; trọng lượng trung bình đạt gần 0,5 kg/con, tỉ lệ sống 75%, năng suất 9 tấn/ha. Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính đực theo phương pháp mới này mặc dù hiệu quả kinh tế đem lại không cao như các mô hình khác nhưng đây là mô hình định hướng cho người dân sản xuất ra sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường.

Hướng đi phù hợp

Mô hình nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính đực theo hướng VietGap hiệu quả thấy rõ, bà con ngư dân và chính quyền các địa phương đồng tình ủng hộ cao. Người dân ý thức được nuôi theo hướng VietGap sẽ cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, do mô hình còn mới nên hộ thực hiện còn bỡ ngỡ, chưa thực sự nắm bắt rõ các tiêu chí của tiêu chuẩn VietGap; đặc biệt người dân chưa làm quen với việc ghi chép nhật ký, sổ sách hàng ngày.

Ông Châu Ngọc Phi, Trưởng phòng Thủy Sản (Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư) cho biết: “Quá trình nuôi theo hướng VietGap giúp người dân bỏ đi thói quen sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đây là hướng đi phù hợp, giúp cả người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo cho sức khỏe. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục nhân rộng mô hình, giúp bà con ngư dân quen dần với phương pháp sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Để áp dụng VietGap thành công trong nuôi trồng thủy sản nói chung và trong nuôi cá rô phi đơn tính nói riêng, đòi hỏi người dân phải tích cực chủ động nắm bắt thông tin, tìm hiểu kỹ thuật nhiều hơn. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hướng dẫn, đào tạo, tuyên truyền các quy trình nuôi cá theo VietGap cho bà con ngư dân, nhân rộng các mô hình thành công để bà con áp dụng.

Vấn đề quan trọng nhất là phải hỗ trợ người dân tìm được đầu ra sản phẩm có tính ổn định, từ đó quy hoạch vùng nuôi cá tập trung để dễ quản lý; đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng áp dụng VietGap trên quy mô vùng trong tương lai. Đây là một công việc đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài, có sự chung sức của nhiều cơ quan ban ngành để giúp người dân yên tâm khi thực hiện sản xuất sản phẩm theo hướng VietGap.

VietGap là quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng an toàn sinh học, từ khâu kỹ thuật, cải tạo ao hồ, chăm sóc, phòng trị bệnh. Hộ nuôi phải tuân thủ các quy định của Nhà nước; cơ sở nuôi phải có hồ sơ đăng ký hoạt động sản xuất hợp lệ; truy xuất nguồn gốc thủy sản; thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học; cơ sở nuôi phải có hệ thống phân loại, tập kết và xử lý chất thải đúng quy định…


Related news