Reports / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Chình Trên Sông Son

Publish date: Wednesday. March 7th, 2012

Hiện tại, cả xã có 313 hộ nuôi với gần 400 lồng, chủ yếu là các loại cá trắm cỏ, rô phi, cá trôi... với sản lượng thu hoạch gần 230 tấn/năm. Để đa dạng hóa đối tượng nuôi, một số hộ dân ở các thôn Xuân Tiến, Gia Tịnh đã đưa vào nuôi thử nghiệm cá chình lồng, bước đầu có triển vọng, phục vụ nhu cầu du lịch VQG Phong Nha- Kẻ Bàng .

Vào tháng 8/2011, UBND xã Sơn Trạch tổ chức đoàn tham quan tại Hải Lăng (Quảng Trị) và TP Huế (TT- Huế) để học tập kinh nghiệm nuôi cá chình lồng; đồng thời hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cho hộ ông Hoàng Văn Thái (thôn Xuân Tiến) và ông Nguyễn Văn Đệ (thôn Gia Tịnh) để thực hiện mô hình nuôi cá chình lồng.

Ông Hoàng Văn Thái cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi thực hiện mô hình là phải mua cá giống từ việc khai thác trong tự nhiên (do không có nguồn cung cấp cá chình giống đẻ nhân tạo) nên kích cỡ cá thường không đồng đều dẫn đến cá lớn cắn cá bé khi nuôi; hoặc cá giống khai thác theo kiểu thả câu nên độ rủi ro rất cao’”.

Sau khi tham quan, tập huấn kỹ thuật, từ tháng 9 đến tháng 10/2011, gia đình ông Thái thả nuôi 150 con cá chình giống, trọng lượng khi thả khoảng 330 gram/con, giá con giống 150.000 đồng/kg. Sau hơn 5 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng 1- 1,1 kg/con. Theo đánh giá, quá trình nuôi cho thấy cá chình thích ứng với điều kiện lồng nuôi, sinh trưởng, phát triển tốt, bình quân tăng được 120 gram/tháng.

Ông Thái cho biết thêm, nuôi cá chình chỉ khó ở khâu chuẩn bị thức ăn, do cá  chỉ ăn các loại thức ăn tươi như giun đất, cá bống đen... Ngoài ra, cá chình chỉ sống ở nước sâu, nhạy cảm với tiếng động nên tuyệt đối tránh làm động lồng cá khiến cá bỏ ăn dài ngày. Hiện tại, ở xã Sơn Trạch đã có 5 lồng cá chình do 5 hộ dân ở các thôn Xuân Tiến, Gia Tịnh đầu tư nuôi với số lượng từ 100- 150 con/lồng. Đây sẽ là hướng đi mới trong phát triển nghề nuôi cá chình lồng ở Sơn Trạch.


Related news