Reports / Mô hình kinh tế

Nỗ Lực Phát Triển Bền Vững Cây Sơ Ri Gò Công Ở Tiền Giang

Publish date: Tuesday. May 29th, 2012

Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, hàng năm tỉnh cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu (chủ yếu để xuất khẩu sang Nhật) trên 6.000 tấn sơ ri tươi. Loại trái cây này đã được tỉnh đăng ký bảo hộ và chỉ dẫn địa lý sơ ri Gò Công, đồng thời được xác định là một trong 7 nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và định hướng đến năm 2015 sẽ mở rộng diện tích lên 500 ha.

Để giúp nông dân cải thiện về cây giống và kỹ thuật canh tác góp phần phát triển cây sơri một cách bền vững, ngày 19/5/2012, UBND huyện Gò Công Đông phối hợp với Công ty TNHH Nichirei-HPC (Nhật Bản) thành lập Trung tâm Nghiên cứu canh tác cây sơ ri tại ấp Hòa Bình (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) trên diện tích 1.200 m2 với kinh phí xây dựng hơn 6 tỷ đồng.

Hiện nay, có hai loại sơ ri. Một loại có nhiều vị chua, thích hợp cho chế biến xuất khẩu, còn loại kia vị ngọt, dành cho thị trường ăn tươi. Quả sơ ri khi chín mọng có màu đỏ cam hoặc đỏ sậm, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều món như: mứt sơ ri, rượu sơ ri, cocktail, nước ép sơ ri,... được thị trường rất ưa chuộng. Theo tài liệu dinh dưỡng học thì quả sơ ri có nguồn vitamin C rất lý tưởng cho người ăn kiêng. Hàm lượng Acid Ascorbic trong quả sơ ri đo được từ 1,5 - 3,5 trọng lượng tươi. Một ly nước ép sơ ri 180 ml có thể chứa một lượng vitamin C tương đương 14 lít nước cam ép.

Related news