Reports / Mô hình kinh tế

Nguy Cơ Thua Lỗ Khi Ồ Ạt Trồng Sương Sáo

Publish date: Thursday. March 6th, 2014

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có chủ trương chuyển đổi 1 ngàn hecta đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả và rau màu khác nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều nông dân đang đứng trước nguy cơ thua lỗ khi chuyển từ cây mía sang trồng sương sáo (còn gọi là thạch đen hoặc thủy cẩm Trung Quốc).

Điều đáng nói là tuy sương sáo không phải là loại cây trồng, rau màu được khuyến khích, nhưng diện tích trồng loại thực vật này vẫn có dấu hiệu gia tăng.

Thấy hàng xóm trồng sương sáo hiệu quả, người nông dân này mạnh dạn trồng 2 công sương sáo, dự tính là lấy ngắn, nuôi dài để làm tiếp 3 công mía còn lại. Chi phí đầu tư đã lên hơn 10 triệu đồng và gần như cầm chắc phần lỗ. Những hộ lân cận mới bỏ mía trồng sương sáo năm đầu tiên cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Diện tích trồng sương sáo ở huyện Phụng Hiệp, đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể, dù theo ngành nông nghiệp huyện thì từ năm 2006 đã có người trồng. Có năm, sương sáo mang về thu nhập cao hơn hẳn so với cây mía; nhưng cũng có khi bà con thua lỗ nặng nề vì giá rớt thê thảm. Như năm 2009, giá sương sáo rơi từ 20 ngàn đồng xuống mức 4 ngàn đồng mỗi ký mà vẫn không bán được. Đến năm 2013, giá sương sáo tăng cao trở lại, nhưng hiện giờ thì chỉ khoảng 5 – 6 ngàn mỗi ký.

Một số nông dân còn cho biết, thời gian qua có thương lái Trung Quốc tìm đến và hỏi mua sương sáo với số lượng lớn. Tuy nhiên, bà con địa phương không đồng ý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sương sáo được tiêu thụ ở một số tỉnh, thành trong nước và đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia với khối lượng có thể đến vài chục tấn mỗi năm. Không ít người đã có thu nhập cao từ sương sáo, nhưng nhiều người đang phải đối mặt với khá nhiều rủi ro, nguy cơ thua lỗ.

Bởi diện tích trồng sương sáo đang có dấu hiệu tăng nhanh; trong khi đầu ra chưa được bao tiêu ổn định, giá cả bấp bênh. Thêm nữa là do bà con ồ ạt trồng khi chưa nắm vững kỹ thuật canh tác nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Câu chuyện cảnh giác với thương lái nước ngoài đã được làm tốt; nhưng vẫn còn đó bài toán khó về chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng thu nhập cho người nông dân. Và một khi người nông dân vẫn còn phải tự bơi, canh tác theo kiểu tự phát thì cũng đồng nghĩa là họ sẽ tiếp tục đối mặt với thiệt thòi, thua lỗ.


Related news