Reports / Mô hình kinh tế

Người Mang Cây Cam Về Đất Đồng Thành (Nghệ An)

Publish date: Wednesday. October 1st, 2014

Người dân xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành - Nghệ An) ai cũng nể phục nghị lực của ông Nguyễn Hữu Bình (SN 1958). Từ hai bàn tay trắng, ông đã vươn lên làm giàu trên vùng đất khó bằng nghề trồng cam, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương...

Ông Nguyễn Hữu Bình sinh ra trong một gia đình thuần nông quê ở xã Đại Sơn (Đô Lương). Năm 1976, ông lấy vợ và làm công nhân Nông trường cam Xuân Thành, huyện Quỳ Hợp. Sau một thời gian, ông vay vốn mua đất trồng vườn cam, bắt đầu tạo dựng cơ nghiệp.

Năm 2005, trong một lần về quê bạn ở Đồng Thành (Yên Thành) chơi, ông thấy vùng đất nơi đây như có duyên với mình. Ông quyết định mua đất để đưa cây cam về trồng. Ông thuê máy ủi, máy múc san mặt bằng, thuê ô tô thu gom phân bò để bón cho cam.

Về nguồn nước tưới, ông đào 2 cái ao rộng 1.000 m2. Sau khi hoàn thành quá trình cải tạo đất, ông lên Nông trường cam Quỳ Hợp mua hơn 2.000 cây cam giống về trồng.

Sau 4 năm trăn trở, tìm tòi nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc, vụ cam đầu tiên cho thu hoạch 21 tấn quả, bán được 400 triệu đồng, trừ chi phí ông còn lãi 200 triệu đồng. Có vốn, ông đầu tư thêm máy làm đất, máy làm cỏ, máy phát điện, máy bơm nước và bố trí một hệ thống dẫn nước để chống hạn cho cam.

Đầu năm 2010, Viện Khoa học kỹ thuật Bắc Trung bộ công nhận mô hình trồng cam của ông Bình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Được sự cổ vũ, khuyến khích của cán bộ kỹ thuật Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ, năm 2011, ông nhận thầu thêm 14 ha đất để mở rộng diện tích trồng cam. Đến năm 2013, vườn cam của ông cho thu 420 tấn, quả cam ngọt, màu da sáng và đẹp.

Năm 2014, vườn cam 25 ha cho thu hơn 500 tấn, thu nhập 15 tỷ đồng, còn chưa tính vụ vào tháng 10 sắp tới. Đến nay, việc tiêu thụ cam của ông rất thuận lợi, 40% bán tại vườn, 60% ông cho xe chở hàng vào Vinh, ra tận Hà Nội.

Ông chia sẻ về kinh nghiệm trồng cam: “Trồng cam đòi hỏi có niềm đam mê, sự tỉ mỉ, công phu và chịu khó. Xử lý cành, mắt ghép hướng về phía Đông để lấy ánh nắng, chống mưa gió, chống sâu bệnh… Cam là cây khó tính; Nắm bắt chính xác sâu bệnh thì mới đưa hóa chất vào. Phải nắm đúng quy trình trồng từ khi bắt đầu làm đất”.

Anh Võ Văn Bàng, Xóm trưởng xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành cho biết: Xóm có 120 hộ, có 15 hộ trồng cam, năm 2015 sẽ tăng lên 30 hộ. Đời sống người dân trong xóm ngày càng đi lên nhờ giống cam ông Bình mang về; những hộ có nhu cầu trồng cam đều được ông Bình tận tình hướng dẫn quy trình, kỹ thuật và hỗ trợ 50% vốn.

Nhiều năm liền, gia đình ông Bình được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh; Vùng cam Trung Đông do Sở NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận “Vùng đủ điều kiện sản xuất cam an toàn”.


Related news