Reports / Mô hình kinh tế

Ngọt Thơm Mít Long Khánh

Publish date: Tuesday. December 24th, 2013

Mít Long Khánh (Đồng Nai) từ lâu không còn xa lạ với giới “sành cây trái” nữa. Từ Long Khánh, những trái mít ngọt thơm đã đi khắp các tỉnh, thành. Những lúc vào mùa thu hoạch mít rộ nên con đường chính từ xã Bình Lộc, Bảo Quang ra thị xã tấp nập xe ra vào chở mít.

Đại lý mít Nga Huy ở TX. Long Khánh đang gom hàng để phân phối đi các đại lý khác trong và ngoài tỉnh.

Ở Long Khánh có đến 4-5 loại mít, song loại nào cũng cho mùi vị thơm ngon hơn nhiều vùng khác. Trái mít già cắt xuống khi chín, đứng cách chừng 3-4m vẫn thấy thơm nức mũi. Cắt trái mít ra làm đôi, những múi mít to, vàng ươm dù là người kén ăn cũng phải thèm thuồng.

* Niềm vui được mùa

Vụ mít thứ 2 trong năm kéo dài đến tháng 12. Ngoài niềm vui mít được mùa trúng giá, các nhà vườn còn thêm niềm vui là mít loại 3, 4 trước đây thương lái chê không mua thì nay mua hết. Ngoài mua mít ăn tươi, thương lái mua cả mít xấu để lột vỏ, bỏ hột, lấy múi bán cho các cơ sở trong và ngoài tỉnh sấy khô xuất khẩu.

Ông Hoàng Công Cao, ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang không giấu niềm vui, khoe: “Mọi năm vào vụ thu hoạch rộ, mít chỉ còn hơn 2 ngàn đồng/kg, song vụ này vẫn được 4 ngàn đồng/kg. Mừng nhất là năm nay trái xấu, thương lái cũng mua, hơn 1 hécta mít thu hoạch không phải bỏ đi trái nào”. Rồi ông Cao nhẩm tính, lợi nhuận thu được hơn 100 triệu đồng/hécta/năm, cao gấp 2-3 lần so với trồng chôm chôm mà đến mùa không phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm thợ hái.

Ông Hoàng Công Khanh, ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang, kể: “Nếu cây mít cứ có đầu ra ổn định, giá cao như vụ này thì nông dân trồng mít tụi tôi kiếm được khoảng 100 triệu đồng/hécta/năm. Mít có ưu điểm là dễ trồng, không hay sâu bệnh nên mất ít công chăm sóc”.

Theo giới thương lái, vụ này mít giữ được giá cao là nhờ xuất khẩu được mít sấy khô. Thường sau khi mua, thương lái chia ra loại 1 gửi các xe đường dài ra miền Bắc, Trung cho các đại lý bán tươi. Còn loại 2 trở xuống bóc vỏ, bỏ hột đem sấy. Và lượng mít dùng để sấy chiếm khoảng 60% tổng sản lượng trái tươi.

* Vẫn phải lo xa

Dù vụ này mít được mùa trúng giá, nhưng nhiều nông dân có diện tích mít lớn vẫn đang băn khoăn đi tìm một loại cây trồng khác để xen canh, phòng một vài năm tới mít mất giá sẽ có cây thay thế. Ông Cao ở ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang, chia sẻ: “Khoảng 1-2 năm lại đây, rất nhiều người dân ở thị xã lẫn các huyện lân cận chuyển qua trồng mít. Nếu mít sấy không xuất khẩu được, chắc chắn hàng sẽ bị dội chợ, tôi đang tìm một cây trồng mới xen canh để khi mít mất giá không đến nỗi không có thu”.

Không chỉ riêng ông Cao mà nhiều nông dân trồng mít khác cũng cho hay, hiện nay nhiều nông dân không dám trồng độc canh một loại cây trồng vì rủi ro cao. Hầu hết chọn giải pháp trồng xen canh để khi cây này hết thời, sẽ có ngay cây khác thế chỗ.

Bà Phạm Thị Tố Nga, chủ đại lý mít Nga Huy lớn nhất TX. Long Khánh, cho hay: “Vào vụ thu hoạch chính, mỗi ngày đại lý của tôi mua hơn 100 tấn mít, khoảng 40% bán ăn tươi, còn lại thuê người bóc lấy múi liên kết với một số doanh nghiệp để sấy, xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc”.

Bà Nga còn cho biết thêm, dịp này nhu cầu xuất khẩu mít sấy khô tăng cao nên hàng làm ra không đủ cung cấp cho các mối lớn. Mít Long Khánh có đặc điểm trái lớn, múi nhiều, có vị ngọt thơm, đậm đà hơn mít các vùng khác, nên dù ăn tươi hay sấy chất lượng hơn hẳn. Do đó, các đại lý lớn trong Nam và ngoài Bắc rất thích đặt hàng của Long Khánh.

Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Long Khánh, cho biết: “Diện tích mít của thị xã hiện đã trên 430 hécta và khả năng còn tăng tiếp. Do đó thời gian qua, Hội giúp nông dân bằng cách mang mít Long Khánh đi giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh”.

Thực tế, mít Long Khánh hiện đang là cây trồng có xu hướng phát triển thêm trong thời gian tới, và được thị trường nhiều nơi coi đây là loại trái cây đặc sản. Thế nhưng, nông dân hầu như không có thông tin chính thống nào để biết thị trường trong tương lai gần, tương lai xa sẽ ra sao?

Dọc các tuyến đường vào xã Bảo Quang, Bình Lộc trước đây là những vườn chôm chôm sum suê, nay khá nhiều vườn được thay bằng mít. Theo ông Đỗ Văn Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang, diện tích trồng mít của cả xã là 310 hécta, chiếm hơn 70% diện tích trồng mít của toàn thị xã. Mít ở đây hầu hết bán cho thương lái, không có doanh nghiệp nào ký hợp đồng tiêu thụ cho nông dân, nên xã không khuyến cáo nông dân ồ ạt trồng mít.


Related news