Reports / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Vị Thế Cho Cá Thát Lát Hậu Giang

Publish date: Friday. August 29th, 2014

Cá thát lát là một trong những nông sản có thế mạnh của tỉnh, thương hiệu cá thát lát Hậu Giang đã được nhiều người biết đến.

Chủ trương của tỉnh là xây dựng thương hiệu mạnh cho con cá thát lát Hậu Giang, từ đó mà dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cá thát lát Hậu Giang dùng cho sản phẩm cá thát lát của tỉnh Hậu Giang” được triển khai thực hiện.

Được thực hiện từ năm 2012, đến nay, dự án đã xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” dùng cho sản phẩm cá thát lát của tỉnh Hậu Giang; quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Dự án đã triển khai nội dung quản lý nhãn hiệu chứng nhận tại mô hình thí điểm là TP.Vị Thanh, nơi có diện tích nuôi lớn và tập trung nhiều đầu mối kinh doanh sản phẩm.

Theo chủ nhiệm dự án, ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, từ lâu đời, nguồn tài nguyên cá thát lát có rất nhiều trong sông nước Hậu Giang và thị trường tiêu thụ lớn, được mọi người ưa chuộng vì thịt dai ngon, bổ dưỡng.

Nhiều cơ sở đã chế biến xuất đi các tỉnh lân cận và nước ngoài. Một số doanh nghiệp sử dụng tên gọi cá thát lát Hậu Giang để kinh doanh cho sản phẩm cá thát lát như: chả cá thát lát, cá thát lát muối,...

Nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ có một doanh nghiệp (DN) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm chả cá mang thương hiệu “Cá thát lát Hậu Giang”, đó là cơ sở chế biến cá thát lát tẩm gia vị của nhà hàng Tân Hậu Giang. Để tránh chất lượng và danh tiếng sản phẩm bị ảnh hưởng, bị mai một nên chúng tôi thực hiện dự án mong bảo vệ được vị ngon loại đặc sản chủ lực cho địa phương.

Thực tế đã chứng nhận, khi đăng ký nhãn hiệu độc quyền, DN hưởng nhiều lợi ích và tăng trưởng thấy rõ. Từ khi đăng ký nhãn hiệu cá thát lát tẩm gia vị, việc tiêu thụ cá của người nuôi trong tỉnh và cơ sở chế biến trở nên thuận lợi hơn. Hàng tháng, cơ sở chế biến cá thát lát tẩm gia vị và nhà hàng Tân Hậu Giang nhập khoảng 2 tấn cá.

Ngần ấy sản phẩm được chế biến nhưng vẫn chưa kịp đáp ứng nhu cầu của thực khách. Dự kiến, số lượng cá sẽ tăng lên đáng kể, uy tín của cơ sở ngày càng vang xa.

Khách từ các nơi như TP.Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh,… khi đến Hậu Giang vẫn thường “ghé” nhà hàng để thưởng thức món đặc sản này. Chính vì vậy, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu là rất cấp bách và cần thiết để con cá thát lát Hậu Giang được chế biến tại Hậu Giang vẫn bảo đảm hương vị, thương hiệu vốn có.

Ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cơ quan chủ trì dự án, cho biết: Đến với dự án, DN, hộ nuôi cá thát lát sẽ có lối đi thông thoáng về môi trường kinh doanh cũng như doanh thu cho DN, người nuôi cá thát lát trong tỉnh.

Khi tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, các DN, hộ nuôi cá sẽ được bảo hộ chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, đây sẽ là một công cụ marketing truyền đạt tới người tiêu dùng uy tín của sản phẩm.

Từ đó, sản phẩm vẫn có sức cạnh tranh cao trên thị trường, giá cả ổn định, thu nhập của người nuôi sẽ bình ổn và ngày một nhiều hơn. Đối tượng được thừa hưởng kết quả dự án là người sản xuất, kinh doanh, nuôi, sản xuất cá giống.

Khi có nhu cầu, người dân đến Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để đăng ký gia nhập. Chi cục là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận, thực hiện chức năng cấp, thu hồi quyền    sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quản lý và kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang”.

Nhãn hiệu được bảo hộ là cơ sở để các doanh nghiệp chống lại các hành vi xâm phạm, (làm giả, làm nhái sản phẩm) có quyền ngăn cấm người khác không được sử dụng nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của mình.

Nếu người khác vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, DN có quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc bên vi phạm phải chấm dứt các hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại. Nếu nhãn hiệu không được đăng ký, điều này sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân hoặc pháp nhân khác đánh cắp sử dụng để hưởng lợi.

Khi đó, mọi sự vi phạm, tranh chấp nhãn hiệu sẽ không có căn cứ để các cơ quan chức năng giải quyết. Như vậy có thể nói, xác lập quyền đăng ký nhãn hiệu hay còn gọi là bảo hộ nhãn hiệu đó thực chất là việc thiết lập quyền sở hữu thương hiệu.

Việc xây dựng và được công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm, củng cố lòng tin của người tiêu dùng.

Giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội về nguồn thực phẩm chất lượng cao.

Có thể nói, sự phát triển bền vững mô hình của dự án sẽ được lan toả, nhân rộng đến các vùng lân cận trong tỉnh, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội và phát triển chung của toàn tỉnh. Dự án hoàn thành sẽ là cơ sở, là mô hình mẫu về tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận ở địa phương, góp phần trong việc nhân rộng các mô hình tương tự cũng như các hàng hóa đặc sản, truyền thống của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Theo điều tra của các thành viên dự án, cá thát lát được sản xuất dưới hình thức nông hộ, quy mô từ 500-5.000m2/hộ. Theo quy hoạch phát triển vùng nuôi cá thát lát tỉnh Hậu Giang của Sở NN&PTNT đến năm 2015 diện tích nuôi khoảng 300ha và diện tích nuôi này có thể tăng hơn trong thời gian tới.


Related news