Reports / Mô hình kinh tế

Năm 2014 Là Năm Thắng Lợi Của Ngành Thủy Sản Việt Nam

Publish date: Wednesday. December 31st, 2014

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính giá trị sản xuất thủy sản năm 2014 (tính theo giá so sánh 2010) ước đạt gần 188 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng (chiếm 61,2%) và giá trị khai thác thủy sản ước đạt hơn 73 nghìn tỷ đồng.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2014 ước đạt 6,3 triệu tấn (tăng 4,4% so với năm 2013 và tăng 1,7% so với kế hoạch), trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,7 triệu tấn(tăng 3,9% so với cùng kỳ), nuôi trồng thủy sản đạt 3,6 triệu tấn(tăng 4,8% so với cùng kỳ).

Năm 2014, sản lượng thu hoạch tôm đều tăng so với cùng kỳ, ngành nuôi tôm cả nước có sự phát triển vượt bậc, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 685 nghìn ha(tăng 4,4% so với năm 2013), đặc biệt sản lượng ước đạt 660 nghìn tấn(tăng hơn 20% so với năm 2013). So với năm 2013, sản lượng nuôi tôm nước lợtăng thêm 120 nghìn tấn, chủ yếu do sản lượng tôm chân trắng tăng (hơn 100 nghìn tấn, tương đương 42,9%). Với sản lượng nguyên liệu tăng, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm tôm vẫn lớn giúp xuất khẩu tôm tiếp tục tăng về giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm (ước đạt 3,8 tỷ USD, tương đương 127% so với năm 2013.

Ước cả năm 2014 diện tích nuôi cá tra đạt 5.500ha với sản lượng đạt 1,1 triệu tấn (bằng 100% kế hoạch về diện tích và sản lượng). So với năm 2013, giá thu mua cá tra nguyên liệu tương đối ổn định và theo hướng có lợi hơn cho người nuôi, là tín hiệu tốt để người nuôi cá tra được yên tâm sản xuất.

Năm 2014 diện tích nuôi cá rô phi/diêu hồng trong ao/hồ đạt khoảng 16.000ha, nuôi lồng bè đạt hơn 410.000 m3,ước sản lượng đạt 125.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ. Năng suất nuôi cá rô phi trung bình đạt 6,28 tấn/ha. Đồng bằng sông Cửu Long có năng suất nuôi cao nhất, đạt 18,12 tấn/ha và thấp nhất là vùng Tây Nguyên chỉ đạt 1,18 tấn/ha.

Tổng cục thủy sản cho biết, đang khẩn trương xây dựng Đề án phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020 với các mục tiêu chính là: Khai thác và phát huy tối đa lợi thế đặc thù và khả năng cạnh tranh của cá rô phi Việt Nam; hình thành ngành sản xuất lớn theo hướng công nghiệp (đồng bộ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu), gắn nuôi cá rô phi với công nghiệp chế biến, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; phấn đấu thành một ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

7,92 tỷ là con số ấn tượng về xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm nay, tăng 18,4% so với năm ngoái. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, chiếm 21,81% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Mặt hàng tôm năm nay tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, với giá trị xuất khẩu gần 4 tỷ USD, tăng 5,8%. Dự báo đến hết năm 2014, khối lượng xuất khẩu cá tra ước đạt 750 nghìn tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,70 - 1,75 tỷ USD.


Related news